Theo IOM, toàn bộ những người di cư trên đã được đưa trở lại các khu vực đất liền của Libya. Hiện các nhân viên của IOM đã có mặt tại đây để cung cấp hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi đó, 10 người di cư khác mất tích trên biển.
Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya đã chìm trong tình trạng bạo lực, bất ổn, và trở thành một điểm khởi hành đối với hàng nghìn người di cư bất hợp pháp, chủ yếu là công dân các nước châu Phi, tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu.
IOM cho biết tính từ đầu năm đến nay, trên 6.500 người di cư bất hợp pháp đã được giải cứu ở ngoài khơi bờ biển Libya. Các trung tâm lưu trú dành cho người di cư trái phép ở nước này hiện quá tải, mặc dù cộng đồng quốc tế kêu gọi đóng cửa những trung tâm này.
Trong những tuần gần đây, dòng người di cư từ các quốc gia Bắc Phi tới bờ biển Italy tăng mạnh do thời tiết thuận lợi. Trong tháng 7, gần 7.000 người nhập cư bất hợp pháp đã tới Italy, nhiều hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng này khiến giới chức Italy triển khai một đơn vị bổ sung gồm 400 binh sĩ tới vùng Sicily, nơi các trung tâm nhập cư còn hạn chế các biện pháp phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nội vụ Italy, từ ngày 1/1 - 31/7 vừa qua, 13.700 người di cư đã tới Italy bằng đường biển. Vào cùng kỳ năm 2019, con số này rơi vào khoảng 3.800 người, trong khi năm 2018 là 18.500 người.
Trả lời phỏng vấn tờ Corriere Della Sera mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Italy Luciana Lamorgese tuyên bố Chính phủ dự kiến hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp tới Italy bằng đường biển sớm nhất có thể, sau khi nước này ban hành sắc lệnh chống dịch COVID-19 lây lan từ nước ngoài. Bà Lamorgese cho biết thêm toàn bộ người nhập cư bất hợp pháp tới bờ biển Italy sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Anh muốn siết chặt an ninh tại eo biển Manche
Cùng ngày 1/8, giới chức Anh hối thúc Chính phủ Pháp siết chặt việc ngăn những người di cư vượt eo biển Manche để đến Anh.
Bộ trưởng Thực thi di trú và tư pháp Anh Chris Philp kêu gọi cơ quan chức năng Pháp phải có hành động mạnh hơn khi những người di cư tiếp tục đến thành phố Calais (miền Bắc nước Pháp) để vượt biển. Ông Philp cho biết số người di cư trên các thuyền nhỏ vượt biển trái phép từ Pháp đến Anh ở mức cao “không thể chấp nhận được”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi lực lượng biên phòng cho biết ngày 31/7, cảnh sát Anh đã chặn 96 người di cư trái phép. Một ngày trước đó, số liệu chính thức cũng cho thấy số người di cư tìm cách vượt biển đến Anh trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, với 202 người trên 20 thuyền.
Trong khi đó, các báo cáo khác cho thấy từ đầu năm đến nay, trên 3.400 người đã vượt qua eo biển Manche. Năm 2019, lực lượng chức năng Pháp và Anh đã giải cứu 2.758 người di cư gặp nạn trong khi vượt qua eo biển Manche, cao gấp 4 lần so với năm 2018.
Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng các Bộ Nội vụ Anh và Pháp đã ký một thỏa thuận nhằm chia sẻ thông tin tình báo về nạn buôn người cũng như giảm số người di cư trái phép qua eo biển Manche.