Wingerter, 22 tuổi, đã chính thức trở thành điều dưỡng vào đầu năm 2022 và bắt đầu làm việc tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Hoàng gia Saskatoon, Canada. Trong suốt 8 tháng làm việc, cô phải chịu đựng cảm giác kiệt sức, quá tải và thiếu người hỗ trợ. Mỗi ngày lại có 40 - 50 bệnh nhân chờ đợi được chăm sóc, bệnh viện thậm chí không có đủ giường lẫn điều dưỡng viên, khiến cô phải làm việc liên tục trong suốt 12 giờ mỗi ngày. Có những thời điểm khoa cấp cứu phải đón tới 120 bệnh nhân và các điều dưỡng phải chăm sóc ngay tại hành lang.
Chỉ riêng trong tháng 5/2022, Wingerter đã phải làm việc tổng cộng trong 290 giờ, nhiều hơn gấp đôi so với thời gian đi làm bình thường. Dù còn trẻ, nhưng cô biết mình không thể chịu đựng lâu dài trong môi trường làm việc đầy áp lực, thường xuyên thiếu ngủ. Lòng yêu nghề đã giữ chân nữ điều dưỡng trẻ này lại khoa cấp cứu, song cô quyết định làm thêm giờ ít hơn để có thể cân bằng cuộc sống.
Những vấn đề mà Wingerter gặp phải là tình trạng chung mà ngành y tế nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt. Không như Wingerter, rất nhiều điều dưỡng viên chấp nhận từ bỏ công việc mà họ từng tự hào và dành hết tâm huyết này. Theo Nghiệp đoàn Điều dưỡng Hoàng gia Anh (RCN), trong giai đoạn 2018 - 2022, gần 43.000 điều dưỡng tại Anh đã bỏ việc khi mới bắt đầu sự nghiệp, gần bằng con số thiếu hụt kỷ lục hiện nay của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) là 47.000 điều dưỡng.
Tại Mỹ, theo kết quả phân tích thăm dò (từ tháng 4 - 10/2022) do tổ chức phi chính phủ Hội đồng Quốc gia các ủy ban điều dưỡng (NCSBN) thực hiện, gần 100.000 điều dưỡng chính quy đã rời ngành trong đại dịch COVID-19 và con số này sẽ tăng lên gần 800.000 người vào năm 2027. Đặc biệt, những điều dưỡng có thâm niên trẻ (khoảng dưới 10 năm kinh nghiệm) đã rời ngành hoặc có ý định chuyển nghề, chiếm gần 41% lượng điều dưỡng nghỉ việc.
Nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng nghỉ việc này là do làm việc quá sức, lương thấp, thiếu nhân viên trầm trọng, môi trường làm việc không an toàn. Trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2021, có 3.418 điều dưỡng tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Báo cáo tổng hợp nghiên cứu tại nhiều khu vực của ICN trong đại dịch cho thấy tại Tây Ban Nha, 80% điều dưỡng có triệu chứng lo lắng và kiệt sức, trong khi tại Australia tỷ lệ các nhân viên y tế có những triệu chứng này lần lượt là 60% và 71%. Tại Trung Quốc, 60% điều dưỡng thừa nhận kiệt sức và 90% trong số họ cho biết luôn trong tâm trạng lo âu.
Đáng chú ý, các cuộc khảo sát của Chính phủ Mỹ cho thấy nhân viên y tế có nguy cơ đối mặt với bạo lực tại nơi làm việc cao gấp 5 lần so với những ngành khác. Sau đại dịch, nhiều bệnh viện đã giảm số nhân viên khiến các điều dưỡng khó lòng chăm sóc bệnh nhân đúng mức. Việc gồng mình làm việc đến kiệt sức, thu nhập không tương xứng đã khiến các nhân viên y tế tại nhiều nước xuống đường đình công trong năm ngoái và đầu năm nay. Mới đây nhất, Nghiệp đoàn Điều dưỡng Hoàng gia Anh cảnh báo tiếp tục đình công đến Giáng sinh nếu không đạt thỏa thuận tăng lương.
Tại Việt Nam, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Theo chiến lược phát triển ngành y tế, với 100 triệu dân, Việt Nam cần phải có 260.000 điều dưỡng tại các cơ sở y tế, song trên thực tế, Việt Nam mới có 140.000 điều dưỡng. Nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19. Cả nước có 2.874 điều dưỡng thôi việc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022, gây khó khăn cho hoạt động của các bệnh viện.
Các số liệu trên cho thấy đại dịch COVID-19 đã khiến các bệnh viện quá tải, đồng thời phơi bày thực trạng thiếu nhân lực và hạn chế về điều kiện làm việc của hệ thống y tế trong suốt nhiều năm. ICN dự báo đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 10 triệu điều dưỡng và con số này có thể tăng lên gần 14 triệu do dịch bệnh. Do đó, việc phục hồi và xây dựng lại hệ thống y tế sẽ đòi hỏi các nước tập trung vào tăng số điều dưỡng và quan tâm đến việc hỗ trợ và bảo vệ lực lượng nòng cốt của ngành y này.
Với chủ đề Ngày Quốc tế Điều dưỡng năm 2023 “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta”, ICN muốn các nước hướng đến những hành động then chốt giúp giải quyết những vấn đề mà ngành điều dưỡng đang gặp phải, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các giải pháp tập trung vào 4 nhân tố chính là đảm bảo số lượng nhân viên phù hợp; cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, nâng cao trình độ và cơ hội nghề nghiệp; có chính sách hỗ trợ y tế, nghỉ ngơi linh hoạt; khuyến khích điều dưỡng tham gia vào đưa ra quyết định, vạch chiến lược phát triển hệ thống y tế.
Tại New Zealand, Bộ Y tế đã lập ra một quỹ trị giá 1 triệu USD để hỗ trợ điều dưỡng quay lại công việc. Tại Australia, chính quyền bang Victoria đã hỗ trợ mỗi điều dưỡng sau khi tốt nghiệp 5.000 AUD nếu họ làm việc trong hệ thống y tế công sau khi ra trường. Theo ICN, có 48% số hiệp hội điều dưỡng tham gia thăm dò cho biết các nước sở tại đã công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, với 45% quốc gia trong số này bắt đầu bồi thường cho nhân viên y tế mắc bệnh tại nơi làm việc. Tuy nhiên, những chính sách hấp dẫn này cùng nhu cầu củng cố hệ thống y tế có nguy cơ khiến điều dưỡng có xu hướng đổ về các nước thu nhập cao, dẫn đến sự phân bổ không đồng đều nhân lực trong ngành y tế trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của các nước thu nhập thấp. Việc đảm bảo nguồn nhân lực bền vững cần có sự phối hợp chính sách đồng bộ, hiệu quả cấp quốc gia và quốc tế nhằm ứng phó tốt hơn với các cú sốc y tế trong tương lai.
Theo ICN, ở cấp quốc gia, các nước cần thường xuyên đánh giá tác động và nhu cầu của các điều dưỡng, để có sự hỗ trợ, đầu tư kịp thời như tối ưu hóa thời gian nghỉ ngơi, điều động nhân lực; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và có chính sách khuyến khích để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Ở cấp quốc tế, các nước cần tránh tuyển dụng từ những nước có nhu cầu y tế cấp bách và thiếu nhân lực trầm trọng, đầu tư vào hỗ trợ nguồn lực y tế tại các nước dễ bị tổn thương, thu nhập thấp.
Với những thiệt hại chưa từng có do đại dịch COVID-19, hệ thống y tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi nếu thiếu những điều dưỡng tâm huyết và tài năng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ và đầu tư vào ngành điều dưỡng, biến những kinh nghiệm từ COVID-19 thành hành động, từ đó đảm bảo các nhân viên được bảo vệ, tôn trọng và đánh giá cao. Đây sẽ là nền tảng để giúp các nước ứng phó với thách thức y tế mới, mang đến tương lai tươi sáng hơn, như lời khẳng định Chủ tịch ICN, Tiến sĩ Pamela Cipriano: “Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào mỗi điều dưỡng, mỗi tiếng nói, không chỉ ở tuyến đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mà còn tuyến đầu của sự thay đổi”.