Hơn một thập niên sau sự kiện Mùa Xuân Arab, giá thực phẩm lại rơi vào tình trạng tăng vọt. Kênh CNN (Mỹ) cho biết giá thực phẩm vốn đạt mức kỷ lục vào đầu năm nay do các yếu tố như dịch COVID-19, thời tiết xấu và khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây đe dọa an ninh lương thực. Tiếp đó, xung đột Nga-Ukraine bùng phát khiến tình hình thêm tồi tệ bởi hai quốc gia này vốn được coi là vựa lúa mì của thế giới. Bên cạnh đó, tình hình Nga-Ukraine còn khiến giá nhiên liệu theo chiều đi lên.
Theo CNN, những yếu tố này có thể kéo theo làn sóng bất ổn chính trị bởi người dân thất vọng về giới lãnh đạo và họ bị dồn nén bởi các mức giá tăng cao. Ông Rabah Arezki tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard nhận định: “Điều này vô cùng đáng lo”.
Bất ổn tại Sri Lanka, Pakistan và Peru trong tuần qua đã gia tăng chú ý đến rủi ro này. Tại Sri Lanka, biểu tình bùng phát liên quan đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và các mặt hàng cơ bản. Trong khi đó, lạm phát hai con số tại Pakistan đã dẫn đến giảm ủng hộ đối với ông Imran Khan, buộc ông phải rời ghế Thủ tướng. Đã có 6 người tử vong trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra trong thời gian gần đây tạ Peru xoay quanh giá nhiên liệu tăng.
Các nhà phân tích dự đoán bất ổn chính trị sẽ không chỉ hạn chế tại Sri Lanka, Pakistan và Peru. Nhà phân tích Hamish Kinnear tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) lập luận: “Tôi không cho rằng mọi người đã cảm nhận được hoàn toàn tác động của giá nhiên liệu tăng”.
Bài học từ Mùa Xuân Arab
Mùa Xuân Arab bắt nguồn từ Tunisia vào cuối năm 2010 và lan tràn khắp Trung Đông, Bắc Phi trong năm 2011. Ở thời điểm đó, giá thực phẩm đã tăng mạnh. Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đạt mức 106,7 vào năm 2010 nhưng tăng vọt đạt kỷ lục 131,9 vào năm 2011.
Bối cảnh tại mỗi quốc gia có sự khác biệt nhưng bức tranh chung khá rõ ràng. Theo đó, giá lúa mì tăng mạnh là một phần chính của vấn đề.
Nhưng tình hình hiện nay được đáng giá còn tồi tệ hơn cách đây một thập niên. Giá thực phẩm toàn cầu đã cán mốc kỷ lục mới. Chỉ số giá thực phẩm của FAO công bố ngày 8/4 cho thấy trong tháng 3 đã đạt mức 159,3; tăng gần 13% so với tháng 2. Xung đột tại Ukraine, nhà xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực thực vật hàng đầu thế giới, cùng lệnh trừng phạt ngặt nghèo áp đặt lên Nga-nhà sản xuất lúa mì và phân bón then chốt- được đánh giá sẽ góp phần khiến giá thực phẩm tăng thêm trong những tháng tới.
Ông Gilbert Houngbo tại Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế trong tháng 3 đánh giá: “40% xuất khẩu lúa mì và ngô của Ukraine hướng đến Trung Đông cùng châu Phi, những nơi vốn đang phải đối mặt với vấn đề về nạn đói và tình trạng thiếu thực phẩm hoặc giá tăng có thể châm ngòi bất ổn xã hội”. Không những vậy, giá dầu mỏ toàn cầu cũng cao hơn 60% so với một năm trước. Giá than đá và khí đốt tự nhiên cũng theo chiều đi lên.
Nhiều chính phủ đã cố bảo vệ người dân nhưng lại ở trong tình trạng kinh tế yếu kém do việc vay nợ lớn để vượt qua khủng hoảng tài chính năm 2008 và chịu tác động vì dịch COVID-19. Với tăng trưởng chậm, đồng nội tệ bị “tổn thương” và gặp khó trong trả nợ, các quốc gia sẽ khó duy trì trợ cấp giá thực phẩm, nhiên liệu, đặc biệt là khi mức giá tiếp tục leo thang.
Theo Ngân hàng Thế giới, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, có đến 60% những quốc gia nghèo nhất thế giới đang gặp khó khăn vì nợ hoặc rủi ro cao về tình trạng này.
Những nơi căng thẳng
Châu Á: Sri Lanka với 22 triệu dân đang gặp khủng hoảng về kinh tế, chính trị. Phải vật lộn với mức nợ cao và nền kinh tế yếu kém do phụ thuộc vào du lịch, Sri Lanka buộc phải cắt giảm dự trữ ngoại tệ. Điều đó đã ngăn cản chính phủ thanh toán các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như năng lượng, tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng và buộc mọi người phải mất hàng giờ xếp hàng để mua nhiên liệu.
Lãnh đạo Sri Lanka đã giảm giá trị đồng tội tệ để đảm bảo được khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng điều này góp phần khiến lạm phát thêm trầm trọng. Trong tháng 1, lạm phát ở Sri Lanka đã đạt mức 14%.
Trung Đông và châu Phi: Các chuyên gia đang theo dõi sát tình hình chính trị tại những quốc gia Trung Đông vốn phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ Biển Đen. Một ví dụ là Lebanon nơi 3/4 dân số sống ở mức nghèo khổ vào năm 2021, có đến 70-80% lượng lúa mì nước này nhập khẩu là từ Nga và Ukraine. Các kho dự trữ ngũ cốc chiến lược của Lebanon đã bị tiêu hủy trong vụ nổ tại cảng Beirut năm 2020.
Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đang chịu nhiều áp lực với chương trình trợ giá bánh mì. Ai Cập đang cố gắng đảm bảo được nhập khẩu lúa mì từ một số quốc gia như Ấn Độ và Argentina.
Bất ổn chính trị đã nhen nhóm tại nhiều khu vực châu Phi. Một số cuộc đảo chính đã diễn ra tại Tây và Trung Phi kể từ đầu năm 2021.
Châu Âu: Ngay cả những quốc gia phát triển cũng có nguy cư chịu tác động. Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại các thành phố trên khắp Hy Lạp yêu cầu tăng lương và xử lý lạm phát. Chính phủ Pháp trong tháng 3 cho biết đang cân nhắc phân phối phiếu thực phẩm cho các gia đình thu nhập thấp và trung bình.