Trong bài phát biểu qua video gửi tới Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu lần thứ tư, diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Guterres nhấn mạnh thế giới cần tăng cường hành động vì khí hậu thông qua hợp tác. Điều này có nghĩa các nước cần vượt qua những bất đồng, khác biệt và căng thẳng. Những mâu thuẫn địa chính trị không thể cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới nhằm kiềm chế đà tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,5 độ C.
Tổng thư ký LHQ nêu rõ những nền kinh tế lớn chính là những nước phát thải lớn. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt thách thức lớn về khí hậu, những chính sách hiện nay sẽ làm nhiệt độ thế giới có thể tăng hơn 2,8 độ C và đây chính là "một bản án tử hình".
Theo ông Guterres, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) từng tuyên bố có thể khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhưng chỉ khi thế giới thực hiện "bước đột phá" trong hành động vì khí hậu. Do đó, việc đạt được điều này phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn.
Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi tăng cường hành động trên 3 lĩnh vực gồm thời hạn trung hòa carbon, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng cường công lý khí hậu thông qua cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Cụ thể, các nước phát triển cần cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 càng gần năm 2040 càng tốt, trong khi các nước đang phát triển cần đưa ra cam kết đạt được điều này càng gần năm 2050 càng tốt. Tất cả các nước trên thế giới cần đẩy mạnh các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia, hoặc theo sáng kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), để đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C.
Bên cạnh đó, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cần loại bỏ dần than đá vào năm 2030, trong khi tất cả các nước cần đạt được điều này vào năm 2040. Tổng thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động cấp phép hoặc tài trợ trong cả khu vực công và tư đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch mới; đảm bảo phát thải ròng trong lĩnh vực sản xuất điện bằng 0 vào năm 2035 đối với các nước phát triển và vào năm 2040 đối với các quốc gia khác; đẩy mạnh quá trình khử carbon trong các ngành từ vận tải, hàng không và thép đến xi măng, nhôm và nông nghiệp với sự hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân; định giá carbon.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn - với tư cách là các cổ đông lớn của các ngân hàng phát triển đa phương, cần thúc đẩy hợp tác, đồng thời xem xét lại các mô hình kinh doanh và cách tiếp cận rủi ro, nhằm tăng cường hành động vì khí hậu và phát triển bền vững. Các nước phát triển cần thực hiện cam kết đã đưa ra tại các hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu.