Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giữa bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra tín hiệu rõ ràng nào về việc họ sẽ giải phóng nguồn cung từ kho dự trữ dầu chiến lược, cùng với Mỹ và các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nếu Trung Quốc hành động, kho dự trữ của quốc gia này không đủ lớn để giải quyết tình hình và cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể xảy ra.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, vào hôm 25/2, giá dầu thô Brent lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 9/2014. Trước tình tình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đang nỗ lực phối hợp cùng các quốc gia khác để giải phóng các nguồn dữ trữ dầu toàn cầu. Trong đó, Nhật Bản và Australia đều tuyên bố họ sẵn sàng xuất kho dự trữ nếu nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine.
Ông Lin Boqiang – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng tại Đại học Hạ Môn, thành viên của ủy ban tham vấn chuyên gia thuộc Ủy ban Năng lượng Quốc gia – cho biết: “Nguồn dự trữ hiện tại của Trung Quốc không đủ lớn. Vì vậy Bắc Kinh khó có khả năng giải phóng kho dự trữ dầu để đối phó với biến động ngắn hạn”. Lu Xiang, thành viên cấp cao của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng đồng tình với ý kiến của ông Lin.
Mỹ hiện dự trữ khoảng 600 triệu thùng, lượng dầu đủ để đáp ứng nhu cầu trong hơn một tháng. Cục Thống kê Quốc gia cho biết nguồn dự trữ đạt tổng cộng 37,73 triệu tấn, tương đương 280,7 triệu thùng, vào giữa năm 2017.
Ông Wang Yongzhong, nhà nghiên cứu năng lượng cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã ước tính rằng trữ lượng dầu thô của Trung Quốc có thể đủ đáp ứng nhu cầu trong khoảng 40-50 ngày.
Hồi tháng 11/2021, Trung Quốc cho biết họ sẽ nỗ lực phối hợp với các quốc gia để giải phóng lượng dầu dự trữ dựa trên nhu cầu của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định động thái này có thể chỉ mang tính biểu tượng. Bala Ramasamy, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu, cho biết: “Tôi không nghĩ Trung Quốc có đủ trữ lượng và nguồn lực để thực sự tác động đến giá dầu thế giới”.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang đi đúng ranh giới giữa Nga và phương Tây về cuộc khủng hoảng Ukraine. Với lập trường nỗ lực hoà giải, Bắc Kinh không tán thành và cũng không lên án các động thái của Moskva về vấn đề Ukraine. Hôm 25/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng các quốc gia thực sự có trách nhiệm nên thực hiện các hành động có trách nhiệm để cùng bảo vệ an ninh năng lượng toàn cầu.
Theo chuyên gia Lin, Trung Quốc không có nhiều công cụ để đối phó với những biến động ngắn hạn của giá dầu toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc có thể kiểm soát được áp lực lạm phát gây ra bởi giá dầu tăng cao, vì dầu chỉ đóng góp vào khoảng 20% nguồn tiêu thụ năng lượng tổng thể của đất nước.
“Hỗ trợ hòa giải Nga và Ukraine hết sức có thể là một cách tiếp cận địa chính trị, nhưng Trung Quốc có thể làm gì nếu không thể giải phóng kho dự trữ dầu?”, ông Lin nói và kêu gọi Trung Quốc tập trung thúc đẩy sản lượng năng lượng trong nước để củng cố khả năng đối phó với các rủi ro dài hạn từ bên ngoài. “Khủng hoảng địa chính trị luôn xảy đến đột ngột và rất có thể gây gián đoạn đột ngột đến nguồn cung năng lượng. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra vì Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nước ngoài. Chúng ta cần cố gắng hết sức để chuẩn bị tốt cho các kịch bản trong tương lai”, ông cho biết thêm.
Vào năm 2021, kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm 5,3%, trong khi tỷ lệ phụ thuộc vào dầu mỏ ở nước ngoài giảm 1,6 điểm phần trăm xuống còn 72%. Đây là lần đầu tiên cả hai con số này giảm kể từ năm 2001.
Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho biết nước này có thể tham khảo cách tiếp cận ngầm với Mỹ như năm ngoái để tham gia giải phóng trữ lượng dầu.
Theo China News Service, hồi cuối tháng 9/2021, Trung tâm Dự trữ Dầu Chiến lược Quốc gia Trung Quốc đã mở bán dầu dự trữ công khai đợt đầu tiên nhằm điều chỉnh thị trường nội địa, với 7,38 triệu thùng được giải phóng từ cơ sở Đại Liên.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước này đã xây dựng được những kho dự trữ hàng hóa khổng lồ trong một thập kỷ qua. Song kho dự trữ năng lượng chiến lược của Trung Quốc có mục đích khác so với các kho dự trữ ở Mỹ và châu Âu. Dự trữ dầu mỏ của Mỹ, châu Âu chỉ được sử dụng trong thời gian nguồn cung cấp bị ngừng lại hoặc trong chiến tranh. Còn Trung Quốc đang đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng sử dụng hàng dự trữ của mình với mục đích tác động đến thị trường.