G20 kêu gọi tăng trưởng toàn diện và nói 'Không' với chủ nghĩa bảo hộ

Ngày 20/1, tại Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos , Thụy Sĩ, bộ trưởng các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi các nước tiếp tục hướng tới mục tiêu thương mại tự do và tăng trưởng toàn diện, cũng như bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ.

Chủ tịch G20, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng G20 nên tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện như một phần của thương mại tự do. Theo ông, tăng trưởng toàn diện tạo cơ hội cho mọi tầng lớp người dân, cũng như chia đều lợi ích từ sự thịnh vượng chung.

Tân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ ngày 19/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành mối quan ngại ngày càng lớn trong cộng đồng thương mại thế giới sau khi Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, cũng như tương lai không chắc chắn về chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Bộ trưởng Schauble cho rằng để các nền kinh tế có thể ổn định sau khi Anh rời EU, thì hướng đi duy nhất là đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne khẳng định đã qua rồi cái thời quốc gia Nam Mỹ này quay lưng với thương mại quốc tế. Chính quyền hiện nay của Argentina đang mở cửa nền kinh tế và mong muốn nhận được những lợi ích từ toàn cầu hóa nhằm tạo ra tăng trưởng toàn diện hơn. Ông thừa nhận rằng việc tránh né cạnh tranh và mở cửa đã tác động tiêu cực đến Argentina, quốc gia dự kiến tiếp nhận chức chủ tịch G20 vào tháng 11 năm nay.


Về phần mình, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách về kinh tế Mehmet Simsek nhấn mạnh tăng trưởng toàn diện có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và giảm bất bình đẳng thu nhập. Ông nhấn mạnh sự bất bình đẳng đã kìm hãm tăng trưởng toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ là một rào cản khác với tăng trưởng.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tạo ra cơ chế đúng đắn cho tính toàn diện. Ông nêu rõ sự quyết tâm tập thể có thể nâng tăng trưởng toàn cầu và đảm bảo tất cả các nền kinh tế được hưởng lợi đúng thời điểm.

WEF là một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ. Tham dự hội nghị WEF lần thứ 47 tại Davos năm nay có hơn 3.000 đại biểu đến từ gần 100 quốc gia.

TTXVN/Tin Tức
Thủ tướng dồn dập hoạt động tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Thủ tướng dồn dập hoạt động tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Ngoài việc tham gia các phiên thảo luận quan trọng, ngày 19/1 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo nhà nước, tổ chức quốc tế và nhiều tập đoàn lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN