Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thông tin trên được tờ Financial Times dẫn nguồn từ một số nhân vật được thông báo về các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine. Theo đó, nội dung trên được hai bên đề cập trong cuộc điện đàm ngày 4/7. Các nhà phân tích cho rằng cuộc trao đổi trên đánh dấu sự thay đổi khá rõ quan điểm của Tổng thống Trump về xung đột Nga – Ukraine hiện nay cũng như những cam kết chấm dứt việc Mỹ can thiệp vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Washington có thực sự sẽ chuyển giao những loại vũ khí tầm xa cho Kiev hay không, nhưng những phát biểu gần đây của ông Trump đang cho thấy những thay đổi nhất định đối với Nga.
Gần đây vào ngày 14/7, Tổng thống Trump cũng đã đưa ra một “tối hậu thư” đối với Nga về vấn đề thuế quan trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục cùng với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế quan thứ cấp với Nga lên tới 100% nếu không có thỏa thuận nào đạt được về vấn đề Ukraine trong vòng 50 ngày. Bên cạnh đó, ông cũng đã có những tuyên bố thể hiện sự không hài lòng trước các đợt không kích liên tục của Nga nhằm vào Ukraine trong thời gian gần đây.
Trước cuộc trao đổi với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Trump cũng đã có cuộc điện đàm mà ông cho là “khá dài” với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 3/7. Bình luận về cuộc trao đổi trên, theo đài RT, ông Trump cho biết: “Chúng tôi đã có một cuộc điện đàm… Và chúng tôi cũng đã nói về, như các bạn biết đấy, cuộc chiến với Ukraine. Tôi không vui về điều đó”. Ông Trump nói với các phóng viên trước khi lên chuyên cơ Không lực Một hôm 3/7.
Cũng theo RT, khi được hỏi liệu cuộc điện đàm có giúp tiến gần hơn đến một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine hay không, ông Trump trả lời: “Không, hôm nay tôi hoàn toàn không đạt được tiến triển nào với ông ấy cả”.
Trở lại với cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky ngày 4/7, hai người nắm rõ cuộc trò chuyện này cho biết, Tổng thống Mỹ đã hỏi người đồng cấp Ukraine: "Volodymyr, ông có thể tấn công vào Moskva không?... Ông có thể đánh vào St. Petersburg nữa không?" nội dung ông Trump hỏi được thuật lại.
Các nguồn tin cho biết ông Zelensky đã trả lời: "Chắc chắn rồi. Chúng tôi có thể nếu các ông cung cấp vũ khí".
Theo hai người được thông báo về cuộc gọi, ông Trump đã thể hiện sự ủng hộ với ý tưởng đó và được mô tả như một biện pháp nhằm buộc phía Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.
Một quan chức phương Tây, người đã được biết về cuộc gọi, nói rằng cuộc thảo luận phản ánh mong muốn ngày càng tăng của các đối tác phương Tây của Ukraine trong việc cung cấp vũ khí tầm xa có khả năng "đưa chiến tranh đến với người Moskva" - một quan điểm cũng được các quan chức Mỹ chia sẻ kín trong vài tuần qua.
Tuy nhiên, Nhà Trắng và Văn phòng Tổng thống Ukraine đã không phản hồi về các thông tin được nêu trên.
Theo ba người biết rõ về vấn đề này, cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky ngày 4/7 được cho là đã dẫn đến việc Mỹ đã chia sẻ danh sách các loại vũ khí có khả năng được cung cấp cho Kiev với Tổng thống Ukraine tại Rome vào tuần trước.
Trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng Mỹ và các bên liên quan, ông Zelensky đã nhận được danh sách các hệ thống tấn công tầm xa có thể được cung cấp cho Ukraine thông qua chuyển giao cho bên thứ ba.
Thỏa thuận này cho phép Tổng thống Trump tránh được lệnh đóng băng viện trợ quân sự trực tiếp từ phía Quốc hội Mỹ bằng cách cho phép bán vũ khí cho các đồng minh châu Âu, những người sau đó sẽ chuyển các hệ thống này cho Kiev.
Ukraine đã yêu cầu được cung cấp Tomahawk, loại tên lửa hành trình chính xác với tầm bắn khoảng 1.600 km. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump - cũng giống như chính quyền của ông Biden - đã bày tỏ sự quan ngại nếu cung cấp loại vũ khí này.
Trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Tổng thư ký NATO Mark Rutte vào ngày 14/7, Tổng thống Trump công bố kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không Patriot và tên lửa đánh chặn cho Ukraine, nhưng không tiết lộ việc chuyển giao các hệ thống vũ khí khác. Khi đó, Tổng thống Trump cũng nói rằng ông từng nghĩ “sẽ có thỏa thuận cách đây hai tháng" và tiếp tục bày tỏ sự không hài lòng với Tổng thống Putin.
Hai người được thông báo về cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Zelensky cũng như am hiểu về các cuộc thảo luận chiến lược quân sự Mỹ-Ukraine cho biết, một trong những loại vũ khí được đề cập là Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS).
Ukraine đã sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp với tầm bắn lên đến 300km để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát và sâu bên trong lãnh thổ Nga. Tên lửa ATACMS có thể được phóng từ hệ thống rocket HIMARS mà chính quyền cựu Tổng thống Biden đã chuyển giao cho Ukraine. Tuy nhiên, loại tên lửa này không có tầm bắn tới Moskva hoặc St Petersburg.
Phía Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ tấn công các mục tiêu phương Tây để đáp trả việc phương Tây cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine.
Sau khi Ukraine lần đầu sử dụng ATACMS để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Putin nói rằng cuộc chiến đã "mang yếu tố toàn cầu" và đáp trả bằng cách bắn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine.
Tổng thống Nga nói rằng Moskva có quyền “sử dụng vũ khí của chúng tôi chống lại các cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép vũ khí của họ được sử dụng chống lại cơ sở của chúng tôi, và nếu hành động gây hấn leo thang, chúng tôi sẽ đáp trả một cách quyết đoán và tương xứng".
Sau các cuộc tấn công bằng ATACMS, Nga cũng công bố phiên bản cập nhật của học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng tiềm năng. Những thay đổi này có thể được coi như việc Nga sẽ xem xét tấn công hạt nhân phủ đầu các quốc gia có liên quan để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào Nga bằng các loại vũ khí như ATACMS và tên lửa Storm Shadow.
Washington từng nhiều lần cảnh báo Ukraine không nên dùng các loại vũ khí này để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Thời gian qua, Ukraine chủ yếu sử dụng các loại thiết bị bay không người lái (UAV) tầm xa do chính nước này sản xuất để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga.
Cuộc tấn công được xem là thành công nhất của Ukraine diễn ra vào đầu tháng 6, khi Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) của Ukraine triển khai loạt UAV tự sát được vận chuyển bí mật vào lãnh thổ Nga, sau đó được sử dụng để tấn công đội máy bay ném bom chiến lược của Moskva. Theo một số nguồn tin, ít nhất 12 máy bay của Nga đã bị hư hại nặng hoặc phá hủy trong chiến dịch mà Kiev gọi là "Chiến dịch Mạng nhện".