FED lại tung 400 tỷ USD kích thích kinh tế

* Ba ngân hàng Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm
* Các thị trường thế giới lao dốc

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 22/9 (giờ Việt Nam) đã tăng cường nỗ lực vực dậy nền kinh tế Mỹ bằng một kế hoạch kích thích mới trị giá 400 tỷ USD.

Bảng điện tử thể hiện sự biến động của các chỉ số CK chủ chốt trên thế giới phiên 22/9 ở Tôkyô (Nhật Bản). ảnh: AFP-TTXVN


Theo kế hoạch mang tên "Operation Twist" hay còn được gọi theo cách khác là QE 2.5, bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào cuối tháng 6/2012, FED sẽ bán số lượng trái phiếu kho bạc thời hạn 3 năm trị giá 400 tỷ USD và mua một lượng tương đương trái phiếu chính phủ thời hạn 6 - 30 năm. Mục đích của động thái này là nhằm hạ lãi suất dài hạn, qua đó khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. Động thái này cũng góp phần điều tiết các điều kiện tài chính mà không tác động tạo ra cung tiền, và buộc các ngân hàng dồi dào tiền mặt phải đưa lượng tiền nhàn rỗi của họ ra lưu thông, từ đó giảm chi phí cho vay và giữ nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ suy thoái.

Tuy nhiên, chương trình này cũng đẩy FED vào trung tâm của cuộc đối đầu đảng phái chính trị gay gắt, một tình thế không dễ chịu chút nào đối với một thể chế vốn vẫn giữ được vị trí tương đối độc lập đối với Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Quốc hội.

Trong một động thái hiếm hoi nhằm tác động tới chính sách của FED, các lãnh đạo của phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ ngày 21/9 đã cảnh báo Chủ tịch FED Ben Bernanke bằng một bức thư phản đối các chính sách kích thích kinh tế mới của FED. Bức thư của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và Thượng nghị sĩ Jon Kyl viết: "... Chúng tôi lo ngại rằng sự can thiệp sâu của FED có thể làm cho các vấn đề hiện nay trầm trọng hơn và làm tổn hại thêm tới nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi đề nghị FED kiềm chế can thiệp bất thường vào nền kinh tế…".

Các chuyên gia cho rằng, tác động đầu tiên của gói QE 2.5 này là sẽ đẩy giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống các mức giá thấp nhất từ trước tới nay, song những tác động về lâu dài còn đang là những dấu hỏi. Việc giảm được lợi suất trái phiếu xuống vài điểm phần trăm cơ bản không thay đổi được nhiều triển vọng của nền kinh tế khi những nguy cơ lớn nhất đang nằm ở châu Âu và chỉ những nhà hoạch định chính sách của châu Âu mới giải quyết được những vấn đề của họ. Thêm nữa, nhà kinh tế Paul Ashworth thuộc Capital Economics ở Toronto (Canađa) cho rằng, chi phí đi vay không phải là vấn đề mà mấu chốt là các doanh nghiệp không có đủ lòng tin để đầu tư. Còn theo nhà kinh tế Josh Feinman thuộc DB Advisors, động thái trên của FED có tác dụng trong việc hạ lãi suất dài hạn, nhưng không phải là liều thuốc chữa bách bệnh.

Ngoài ra, trong bối cảnh phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng 9,1%, cùng cuộc khủng hoảng nợ công chưa có lối thoát tại châu Âu, các nhà lãnh đạo của FED bị đặt trước áp lực là họ phải làm những gì đó có thể để thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đang tự hỏi, FED - sau ba năm bơm tiền vào nền kinh tế - có còn lại nhiều tiền hay không.

* Cùng ngày, hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của ba ngân hàng lớn ở Mỹ gồm Bank of America, Wells Fargo và Citigroup. Moody's cho rằng khó có khả năng chính phủ Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp để hỗ trợ ba ngân hàng này trong trường hợp họ rơi vào khủng hoảng.

Theo Moody's, cam kết của chính phủ Mỹ giải cứu những ngân hàng quan trọng đã suy yếu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, thời điểm mà Oasinhtơn đã phải bơm hàng trăm tỷ USD cho các thể chế tài chính nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng trong nước. Cơ quan này cho rằng sự ra đời chính thức của Đạo luật Dodd-Frank (Đạo luật Cải cách Tài chính Phố Uôn được Tổng thống Barack Obama ký ban hành hồi tháng 7/2010 sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua) có mục đích rõ ràng là "sẵn sàng để những người nắm giữ trái phiếu trong một ngân hàng lớn chịu thiệt hại nếu thể chế tài chính đó sụp đổ".

Theo hãng tin Mỹ AP, mức tín nhiệm tín dụng của Bank of America giảm 2 bậc, từ A2 xuống Baa1, Wells Fargo giảm một bậc, từ A1 xuống A2, trong khi Citigroup bị hạ tín nhiệm chỉ số ngắn hạn từ Prime 1 xuống Prime 2.

Các thị trường thế giới lao dốc

Do tác động từ kế hoạch kích thích kinh tế mới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), thị trường chứng khoán toàn cầu phiên 22/9 đã lao dốc thê thảm, trong khi giá vàng giảm mạnh do đồng USD lên giá kỷ lục.

Lúc 22 giờ 30 ngày 22/9 (giờ VN), chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI giảm 4,4%, ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 3,09%, 2,81% và 2,63%. TTCK châu Âu cũng có một phiên thê thảm với các chỉ số chủ chốt giảm mạnh: Euro Stoxx 50 (50 cổ phiếu hàng hàng đầu châu Âu) giảm 4,27%; CAC của Pháp giảm 4,51%; DAX của Đức giảm 4,96% và FTSE 100 của Anh giảm 4,23%. Các thị trường châu Á cũng ngập trong sắc đỏ với chỉ số MSCI (chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương, không kể Nhật Bản) giảm 4,3% và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,07%.

Theo giới phân tích, cảnh báo của FED rằng nền kinh tế đang đối mặt với "rủi ro giảm sút nghiêm trọng" đã khiến giới đầu tư mất niềm tin vào thị trường và tiến hành bán tháo ồ ạt - động thái đẩy các chỉ số trên thị trường giảm sâu.

Trong khi đó, đồng USD mạnh lên trong bối cảnh các nhà giao dịch thất vọng trước quyết định của FED và có tâm lý "xa lánh" các tài sản rủi ro vì USD vẫn là đồng tiền có tính thanh khoản cao nhất. Chỉ số USD tại thị trường New York đã tăng 1,6%, lên 78,556 điểm, mức cao nhất trong 7 tháng qua.
Chịu tác động của giá USD tăng, thị trường hàng hóa lao dốc mạnh. Lúc 22 giờ 30 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường New York (Mỹ) đã giảm tới 81,5 USD, xuống 1726,6 USD/ounce (tương đương 43,33 triệu đồng/lượng). Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 tại thị trường New York đã giảm 4,1 USD (4,77%), xuống 81,82 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 3,69 USD, xuống 106,67 USD/ thùng.

Peter Boockwar, một chiến lược gia của Quỹ Miller Tabak & Co có trụ sở ở New York nhận định: "Những tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp trong những tuần qua cùng với nhận định và hành động mới nhất của FED cho thấy khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu đang hiện hữu".

TKT - Thùy Dương- Quang Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN