Sự kiện quy tụ các nhà khoa học thực vật từ khắp Lục địa Đen nhằm thúc đẩy các lĩnh vực lương thực mới thông qua việc khai thác các loại cây trồng chưa được quan tâm đúng mức (cây trồng mồ côi).
Phát biểu khai mạc qua video, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng trọng tâm của kế hoạch thúc đẩy "cây trồng mồ côi" của châu Phi không chỉ nhằm đảm bảo an ninh lương thực mà còn nhằm trao quyền cho các cộng đồng canh tác các loại cây trồng có khả năng phục hồi, giàu dinh dưỡng và thích nghi với điều kiện địa phương.
Ông cho biết châu Phi sở hữu nhiều loại cây trồng chưa được khai thác, bao gồm các loại lương thực địa phương như kê và các loại trái cây như măng cụt. Những cây trồng này từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống, di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các cuộc thảo luận về nghiên cứu, đầu tư và chính sách.
Cuộc họp đã đánh giá những thành tựu của Liên đoàn Cây trồng mồ côi Châu Phi (AOCC) trong thập kỷ đầu tiên, trao quyền cho hơn 172 nhà khoa học, trong đó gần 40% là phụ nữ, cùng 28 quốc gia châu Phi trong việc áp dụng các phương pháp tiếp cận hỗ trợ gene để cải thiện chất lượng cây trồng.
Diễn đàn cũng tập trung vào việc đưa các loại "cây trồng mồ côi" của châu Phi vào các chiến lược nông-lương quốc gia và xác định các bước tiếp theo nhằm nâng cao mô hình AOCC ở các quốc gia ở châu lục và trên toàn cầu.
Ông Khuất Đông Ngọc lưu ý rằng việc giảm đói nghèo và đảm bảo sản xuất thực phẩm bền vững, dinh dưỡng hơn là một thách thức lớn ở châu Phi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học và đổi mới.
Một số "cây trồng mồ côi" được xem xét bao gồm các loại mù tạt, đậu bắp, bánh mì, dưa, khoai môn, bí ngô và khoai mỡ, cùng với táo dại và rau bina leo, và giống khoai tây bản địa Plectranthus rotundifolius.