Cơ quan chống độc quyền của EU bắt đầu điều tra Facebook từ năm 2019, trong đó một cuộc điều tra tập trung vào cách thức quản lý dữ liệu; một cuộc điều tra khác tập trung vào thị trường trực tuyến được công ty này triển khai từ năm 2016 và đã có 800 triệu người dùng Facebook tại 70 quốc gia tham gia để mua bán các sản phẩm. Tới nay, Facebook đã cung cấp 315.000 tài liệu, tương đương 1,7 triệu trang, cho Ủy ban EU.
Luật sư đại diện của Facebook Tim Lamb cho rằng việc Ủy ban EU yêu cầu cung cấp thông tin phạm vi quá rộng như vậy đồng nghĩa Facebook phải chia sẻ những tài liệu không phù hợp, không liên quan các cuộc điều tra, bao gồm cả những thông tin riêng tư nhạy cảm như thông tin y tế của các nhân viên, các tài liệu tài chính cá nhân và thông tin riêng tư về các thành viên gia đình các nhân viên.
Vì vậy, Facebook cho rằng các tòa án của EU cần xem xét những yêu cầu nói trên của cơ quan chống độc quyền của EU. Phía Ủy ban EU cho biết sẽ phản biện quan điểm của Facebook trước tòa.
Bên cạnh hai 2 vụ kiện trên, Facebook cũng đang đề nghị Tòa sơ thẩm của EU trụ sở tại Luxembourg ban hành các biện pháp tạm thời ngăn chặn những yêu cầu cung cấp thông tin kể trên cho tới khi có phán quyết cuối cùng của các tòa án.