Trước đó, nhà báo Na Uy Tom Egeland đăng một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân về tầm ảnh hưởng của nhiếp ảnh với thế giới. Trong 8 bức ảnh được ông Egeland đăng tải có “Em bé Napalm” của phóng viên ảnh từng giành giải Pulitzer- Nick Út.
Đây là bức ảnh được chụp vào tháng 6/1972 ghi lại khoảng khắc cô bé Kim Phúc òa khóc hoảng loạn, cô bé 9 tuổi bị bỏng do bom napalm và bỏ chạy trong tình trạng trên người không còn mảnh vải che thân. Bức ảnh đã được truyền thông trên toàn thế giới đăng tải, và khiến công chúng phải bàng hoàng về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau khi được Tom Egeland đăng tải, bức ảnh “Em bé Napalm” đã bị chặn bởi Facebook. Tờ Aftenposten đã nhanh nhạy đưa tin về vụ việc và tiếp tục sử dụng bức ảnh “Em bé Napalm” trong bài viết. Bài viết này được đăng tải trên trang Facebook của tờ Aftenposten và cũng ngay lập tức bị Facebook “tuýt còi”.
Facebook lý giải cho quyết định trên là do “Em bé Napalm” có hình ảnh khỏa thân đồng thời tiếp tục chặn không cho bức ảnh được đăng tải lên mạng xã hội này.
Facebook cũng từ chối phản hồi các câu hỏi của truyền thông Na Uy về vụ việc.
Theo khảo sát năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 44% người Mỹ trưởng thành tiếp nhận tin tức qua Facebook, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của mạng xã hội này đối với truyền thông.
Do vậy, tổng biên tập tờ Aftenposten, Espen Egil Hansen đã phân tích: “Truyền thông có trách nhiệm cân nhắc về việc xuất bản trong từng trưởng hợp. Đây là quyền và nghĩa vụ mà mọi nhà biên tập trên thế giới có. Không nên để những nhà lập trình trong văn phòng của Facebook ở California (Mỹ) hủy hoại điều này”.