Mục đích của biện pháp này là nhằm tiếp tục cản trở doanh thu của Nga từ nhiên liệu hóa thạch khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt trước đó không hiệu quả như mong muốn của EU. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao EU cho biết các cuộc thảo luận mới chỉ đang ở giai đoạn đầu. Một nhà ngoại giao EU khác cho biết đây là đề xuất của Ủy ban châu Âu, trong đó đề cập các vấn đề liên quan việc chuyển LNG từ tàu này sang tàu khác. Biện pháp này có thể dẫn đến lệnh cấm các cảng tại EU tái xuất khẩu LNG của Nga sang các nước thứ ba ngoài liên minh, nhưng các nước EU vẫn có thể nhập khẩu nhiên liệu này. Đề xuất này cũng đề cập việc cấm EU tham gia các dự án LNG mới của Nga.
Theo giới chuyên gia, các cảng của châu Âu rất quan trọng đối với Nga vì nằm trên các tuyến vận chuyển ngắn hơn đối với một số tàu chở LNG của Nga. Tổ chức môi trường Urgewald của Đức cho biết các cảng ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha là những điểm chính cung cấp LNG từ bán đảo Yamal của Nga. Ngoài ra, cảng Zeebrugge của Bỉ và cảng Montoir của Pháp là những trung tâm tái xuất khẩu đặc biệt quan trọng sang các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo cáo hồi tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, năm ngoái, các nước EU đã chi 8,2 tỷ euro (8,8 tỷ USD) nhập khẩu LNG của Nga.
EU đã áp đặt 13 gói trừng phạt đối với Moskva kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2022, trong đó chủ yếu nhằm vào xuất khẩu dầu khí của Nga.