EU, WHO cùng hỗ trợ Campuchia ứng phó với dịch bệnh

Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 2/6 ra tuyên bố chung, thông báo cùng hợp tác hỗ trợ Campuchia sẵn sàng ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như những mối đe dọa y tế trong tương lai.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố chung nêu rõ, EU cho biết sẽ đầu tư tổng cộng 3,5 triệu USD trong vòng 3 năm thông qua WHO để hỗ trợ Chính phủ Campuchia sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và tăng cường hệ thống y tế. Khoản tài trợ này là một phần của chương trình y tế khu vực của EU và WHO nhằm hỗ trợ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Đại diện của WHO tại Campuchia Li Ailan nhấn mạnh trong hơn 1 thập kỷ qua, nước này cũng đã tăng cường hệ thống y tế, trong đó tăng cường cả khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Theo bà, khoản đầu tư trên sẽ góp phần vào những nỗ lực chung của EU và WHO nhằm ứng phó với đại dịch và giúp Campuchia đối phó tốt hơn trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp về y tế.

Trong khi đó, đại sứ EU tại Campuchia Carmen Moreno cho rằng sự đoàn kết và hành động tập thể là điều cần thiết để vượt qua đại dịch tại nước này, tại ASEAN và những khu vực khác trên thế giới. 

Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng nhấn mạnh hợp tác giữa EU và WHO thể hiện qua lần hỗ trợ này cho thấy sự đoàn kết nhằm hỗ trợ Campuchia vượt qua thời kỳ khó khăn của đại dịch, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để củng cố hệ thống y tế của Campuchia. 

Campuchia đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng lần thứ 3 kể từ ngày 20/2. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 750 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 31.460 ca, trong đó 230 ca tử vong.

* Trong khi đó, quốc gia láng giềng Thái Lan đang đẩy mạnh việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng đại trà, bắt đầu từ ngày 7/6 tới. 

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangsan ngày 2/6 cho biết khoảng 940.000 liều vaccine đã được phân phối cho các trung tâm tiêm chủng trên cả nước trong hai ngày 1 - 2/6. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% trong tổng số gần 70 triệu dân của nước này vào cuối năm nay. 

Cùng ngày, hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết sẽ sớm chuyển cho số vaccine được sản xuất tại Thái Lan để phục vụ chương trình tiêm chủng đại trà của nước này. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên của AstraZeneca sản xuất tại Thái Lan, gồm 1,8 triệu liều, sẽ được bàn giao cho Bộ Y tế Thái Lan trong tuần này. Việc phân phối cho các nước khác trong khu vực Đông Nam Á sẽ bắt đầu từ tháng 7. 

Công ty Siam Bioscience của Thái Lan là đơn vị duy nhất sản xuất vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á, được hi vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho thị trường Đông Nam Á.

Trần Quyên (TTXVN)
COVID-19 tại ASEAN hết 2/6: Toàn khối thêm 506 người tử vong; Lần đầu Malaysia có trên 100 ca thiệt mạng
COVID-19 tại ASEAN hết 2/6: Toàn khối thêm 506 người tử vong; Lần đầu Malaysia có trên 100 ca thiệt mạng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 2/6, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 22.822 ca mắc COVID-19 và 506 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 4.079.782 ca, trong đó 79.717 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN