Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cập cảng Pozzallo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các tàu quân sự được điều động tuần tra trên vùng lãnh hải quốc tế ngoài khơi Lybia, sẵn sàng bắt giữ những kẻ buôn người, còn được gọi là "mafia trên biển".
Sáu tàu quân sự, trong đó có một tàu đổ bộ trực thăng của Italy, một tàu khu trục của Pháp và 4 tàu của Anh, Đức và Tây Ban Nha đã được bố trí tại các địa điểm trong vùng lãnh hải quốc tế ngoài khơi Lybia, địa điểm xuất phát của rất nhiều tàu chở người nhập cư do các băng nhóm buôn người kiểm soát. Dự kiến đến cuối tháng này, ít nhất 3 tàu hải quân khác của Bỉ, Anh và Slovenia cũng sẽ tham gia vào lực lượng này.
Ngoài ra, 5 máy bay và 1.318 nhân lực cũng sẽ được huy động cho chiến dịch. Các thủy thủ đều đã được huấn luyện và tập dượt các phương ứng phó khi bị các băng nhóm mafia trên biển tấn công. Toàn bộ vùng lãnh hải ngoài khơi phía Tây Bắc Lybia từ biên giới với Tunisia tới vùng biển ngoài khơi thành phố Sirte (Lybia) sẽ được phong tỏa phục vụ cho chiến dịch, chỉ riêng khu vực ngoài khơi Tripoli sẽ vẫn mở cho các hoạt động hàng hải được lưu thông
Những người di cư sau khi được cứu và đưa về cảng Pozzallo, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong vài tuần trước khi giai đoạn 2 được triển khai, EUNAVFOR MED đã nhận dạng được 20 tàu hộ tống mà những kẻ buôn người thường sử dụng để quay trở lại Lybia sau khi đã đưa người nhập cư lên tàu cá và bỏ mặc họ lênh đênh trên biển theo một hải trình được cài đặt sẵn. Hiện tại các tàu tuần tra sẽ chỉ hoạt động trên vùng lãnh hải quốc tế ngoài khơi Lybia. Nếu muốn vào lãnh hải Lybia, các tàu cần được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giới chức Lybia.
Giai đoạn 2 của EUNAVFOR MED đã được Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố chính thức hồi tháng 9. Trước đó, giai đoạn 1 tập trung thu thập và phân tích các thông tin về hoạt động của các băng nhóm buôn người đã được tiến hành từ tháng 6.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, chiến dịch nói trên được triển khai trong bối cảnh mùa buôn lậu bắt đầu "hạ nhiệt". Giới quan sát bình luận rằng sau năm tháng rưỡi kể từ khi lãnh đạo các nước EU, trong đó có cả Thủ tướng Anh David Cameron, cam kết sẽ nhắm mục tiêu vào các đối tượng buôn người Libya, giới chức EU vẫn loay hoay về việc thực hiện kế hoạch này như thế nào. Vì không có sự ủy thác từ Liên hợp quốc hay Chính phủ Libya, các lực lượng tham gia EUNAVFOR MED chỉ có thể hoạt động trong vùng biển quốc tế. Điều này đặt ra câu hỏi làm sao họ có thể truy bắt những kẻ buôn người vốn hoành hành chủ yếu trong hải phận Libya.
Các nhà phân tích cũng cho rằng phải đến tháng 5 hoặc 6 năm tới thì mới đánh giá được đầy đủ hiệu quả của chiến dịch này bởi cao trào vượt biển đã lắng xuống khi mùa Đông tới. Và dù kết quả thế nào, sứ mệnh này cũng sẽ không tác động tới vùng biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - vùng nước mà đa số người di cư đi qua với hy vọng tới được châu Âu.