EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga 

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, rạng sáng 25/2 (theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga.

Chú thích ảnh
Biểu tượng ngân hàng Alfa-Bank của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo trên mạng xã hội Twitter, Thụy Điển – nước Chủ tịch luân phiên EU – cho biết: “Các thành viên EU đã áp đặt các trừng phạt mạnh nhất và sâu nhất từ trước tới nay”. Thông báo cũng tái khẳng định sự ủng hộ và hỗ trợ lâu dài của EU dành cho Ukraine.

Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể. Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga.

Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn.

Quyết định trừng phạt của EU được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, một số quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand và Hàn Quốc cũng thông báo áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Nga  trong bối cảnh tròn 1 năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.  

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết siết chặt đặt trừng phạt Nga. Thông báo chung sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của khối ngày 24/2, G7 tái khẳng định 'sẽ tăng cường hỗ trợ ngoại giao, tài chính và quân sự” cho Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự hội nghị trực tuyến trên. Đây là hội nghị đầu tiên của G7 trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Nhật Bản.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết Tokyo sẽ cung cấp viện trợ tài chính trị giá 5,5 tỷ USD để tái thiết Ukraine.

Dự kiến ông Kishida sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của G7 từ ngày 1/5 tới tại Hiroshima, miền Tây Nhật Bản.

Bích Liên (TTXVN)
Câu hỏi lớn với EU sau một năm trừng phạt Nga không đạt được mục đích?
Câu hỏi lớn với EU sau một năm trừng phạt Nga không đạt được mục đích?

Michael McFaul, Giáo sư tại Đại học Stanford, người đã nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt, cho biết: “Nói một cách rõ ràng, mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là chấm dứt xung đột. Xung đột chưa kết thúc. Điều đó có nghĩa là các biện pháp trừng phạt đã không đạt được mục tiêu mà chúng ta đề ra".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN