Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính EU hôm 10/4 đã đồng thuận về gói hỗ trợ trên với 3 mục tiêu gồm: thông qua quỹ Cơ chế Ổn định châu Âu (MES) để trang trải các chi phí liên quan trực tiếp và phi trực tiếp đến đại dịch COVID-19; chấp thuận sáng kiến của Ngân hàng Đầu tư châu Âu về việc hỗ trợ tài chính 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại EU; và 100 tỷ euro giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia thành viên.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí hợp tác thành lập một quỹ bình ổn chung, trị giá hàng nghìn tỷ euro, nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ kinh tế của khối và giúp EU hồi phục sau đại dịch COVID-19, mặc dù còn mâu thuẫn ở một số vấn đề.
Thủ tướng Đức cho biết, Berlin ủng hộ và sẽ sẵn sàng cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính lớn cho quỹ trên. Theo bà Merkel, quỹ này cũng vì lợi ích của Đức và Berlin sẽ phải đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của EU trong tương lai. Bà Merkel nhấn mạnh, “chúng tôi cần một quỹ phục hồi như vậy” và “một giải pháp chung như vậy là vì lợi ích của Đức, bởi vì mọi thứ chỉ có thể tốt cho Đức nếu chúng tốt cho châu Âu”. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel cũng muốn giám sát cách thức lên kế hoạch sử dụng quỹ, trước khi đưa ra cam kết của Đức.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua gói cứu trợ trị giá 540 tỷ euro để hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19. Gói cứu trợ gồm 3 yếu tố: Hạn mức tín dụng phòng ngừa lên tới 240 tỷ euro từ Quỹ Cứu trợ châu Âu (ESM) - có thể mang lại lợi ích cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch; một quỹ bảo lãnh cho các khoản vay doanh nghiệp từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) được huy động lên tới 200 tỷ euro; và chương trình lao động ngắn hạn mang tên “Sure” do Ủy ban châu Âu đề xuất với trị giá 100 tỷ euro.
Theo nguồn thạo tin, Châu Âu đang phải đối mặt với một cú sốc kinh tế lớn từ sự lây lan của dịch COVID-19. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thông tin với các nhà lãnh đạo EU rằng, đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến khối này sụt giảm từ 5-15% sản lượng kinh tế.