Một văn bản do Đại diện Thương mại Mỹ công bố cho biết Washington đang xem xét đánh thuế lên tới 3,1 tỷ USD đối với các sản phẩm của châu Âu vì các khoản trợ cấp cho hãng chế tạo máy bay Airbus. Văn bản trên liệt kê các sản phẩm từ ô liu đến cà phê của Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Anh, có thể phải chịu mức thuế mới.
Người phát ngôn của EC cho biết các biện pháp mà Mỹ đề xuất có thể gây ra những tổn thất rất lớn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hoạt động sau này của các công ty cùng những thiệt hại kinh tế không đáng có cho cả hai bờ Đại Tây Dương. Đây là trường hợp đặc biệt khi các công ty đang nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn kinh tế do hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người phát ngôn của EC cho rằng với ý định nhắm vào nhiều sản phẩm mới, đối tác thương mại Mỹ đang làm gia tăng những thiệt hại nói trên. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại động thái này thậm chí có thể vượt xa khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho hãng Airbus. Tháng 10 năm ngoái, sau khi được WTO "bật đèn xanh", chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế trừng phạt lên tới 7,5 tỷ USD với các sản phẩm nhập từ châu Âu.
EU cũng đe dọa sẽ đáp trả bằng việc áp thuế với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ. Tuy nhiên, trong một bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mới đây, Ủy viên thương mại EU Phil Hogan cho rằng đại dịch COVID-19 là một cơ hội để hai bên xoa dịu những căng thẳng hiện tại.
Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với cam kết thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới, không ngoại trừ đối tác lâu đời là EU. Căng thẳng thương mại Mỹ và EU bắt đầu từ khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Đáp lại, Brussels cũng áp thuế các sản phẩm biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ như quần áo Jean và mô tô phân khối lớn.
Tổng thống Mỹ cũng đe dọa áp thuế với các ô tô nhập khẩu từ châu Âu nhưng nhiều lần trì hoãn kế hoạch này do vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ trong nước. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU đã lâm vào bế tắc trong nhiều tháng qua do bất đồng về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus, cũng như việc đánh thuế đối với các công ty kỹ thuật số và lĩnh vực nông nghiệp.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 24/6, Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho biết Tổng thống Trump đã ký một bản ghi nhớ, trong đó chỉ thị Bộ Nông nghiệp trợ cấp cho ngành xuất khẩu tôm hùm tương tự như các lĩnh vực khác của nông nghiệp chịu tác động của các hành vi thương mại không công bằng.
Cũng theo ông Navarro, Tổng thống Trump chỉ thị Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer đến ngày 15/7 tới phải báo cáo kết quả điều tra xem liệu Trung Quốc đã thực hiện cam kết mua lượng tôm hùm của Mỹ trị giá 150 triệu USD theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước hay chưa. Nếu không, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ yêu cầu ông Lighthizer xem xét áp thuế trả đũa ngành thủy sản của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bản ghi nhớ cũng kêu gọi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trong 90 ngày tới đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết khó khăn mà ngành xuất khẩu tôm hùm của Mỹ gặp phải do thỏa thuận thương mại giữa EU và Canada có hiệu lực từ tháng 9/2017.
Tổng thống Trump đã đề cập vấn đề trên tại một hội nghị bàn tròn với các đại diện ngành thủy sản nhân chuyến thăm bang Maine đầu tháng này. Ông tuyên bố nếu EU không lập tức giảm thuế cho tôm hùm nhập từ Mỹ, Washington sẽ áp thuế tương ứng với ô tô nhập từ EU. Ông còn chỉ định cố vấn thương mại Nhà Trắng Navarro phụ trách các cuộc đàm phán về vấn đề này, đồng thời cam kết sẽ buộc EU phải sớm giảm thuế quan với mặt hàng tôm hùm của Mỹ. Không chỉ nhắm tới EU, ông chủ Nhà Trắng còn yêu cầu cố vấn Navarro xác định những sản phẩm của Trung Quốc sẽ phải chịu thuế nếu Bắc Kinh không giảm thuế nhập khẩu tôm hùm Mỹ.