EU nỗ lực đạt thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/12 thông báo sắp đạt được một thỏa thuận đầu tư lớn với Trung Quốc bất chấp việc các nhà lập pháp cảnh báo về vấn đề quyền lao động của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc, mà Brussels hy vọng sẽ mở ra cơ hội kinh doanh lớn, vào ngày 30/12 sau 7 năm đàm phán.

Từ lâu, châu Âu đã thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn thị trường khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bị cáo buộc là thiếu tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế đang là trở ngại cuối cùng để đi đến một thỏa thuận.

Một quan chức EU cho biết khối này đã yêu cầu Trung Quốc cam kết nỗ lực phê chuẩn các công ước về lao động ép buộc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhưng dường như rất khó để đảm bảo những cam kết đó được tuân thủ nghiêm.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp châu Âu đã chỉ trích một thỏa thuận mà họ cho là Đức, cường quốc hàng đầu châu Âu, đang gấp rút thông qua, trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU kết thúc vào cuối năm nay.

Quý III/2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh tế của Mỹ, còn khi kinh tế Trung Quốc trên đà phục hồi.

Thỏa thuận thương mại EU-Trung Quốc sẽ là một động lực lớn cho cả hai bên và củng cố quan hệ kinh tế trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chính thức vào Nhà Trắng vào tháng 1/2021, dù cho vẫn cần nhiều tháng để hoàn thành và phê chuẩn đầy đủ. EU khẳng định sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc và sẽ không cản trở quan hệ của khối với chính quyền mới.

Bên cạnh đó, EU cho hay thỏa thuận này giúp điều chỉnh sự mất cân bằng lâu nay trong cách Brussels và Bắc Kinh đối xử và tiếp cận với các nhà đầu tư. Khối này cũng khẳng định sẽ đảm bảo những cam kết của Trung Quốc đối với những vấn đề mà EU quan ngại như nghĩa vụ chuyển giao công nghệ, tôn trọng sở hữu trí tuệ, những cam kết về môi trường và giải quyết các khoản trợ cấp nhà nước.

Thỏa thuận này sẽ mở đường cho các công ty EU thâm nhập vào các lĩnh vực bao gồm ô tô điện, y tế và viễn thông của Trung Quốc. Ngược lại nó cũng sẽ mở ra thị trường năng lượng tái tạo của châu Âu cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, một quan chức EU cho hay thỏa thuận vẫn sẽ cho phép các quốc gia thành viên chặn quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Minh Hằng (TTXVN)
Tín hiệu từ sự đứt quãng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc
Tín hiệu từ sự đứt quãng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc bị tạm hoãn là dấu hiệu cho thấy Lục địa già đang nghi ngại Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN