Tín hiệu từ sự đứt quãng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc bị tạm hoãn là dấu hiệu cho thấy Lục địa già đang nghi ngại Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tham gia hội nghị trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tờ Politico (Mỹ) đưa tin đàm phán giữa Ủy viên cấp cao EU phụ trách Thương mại Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được lên lịch trình vào sáng 22/12 đã bị hủy. Đại sứ các nước thành viên EU nhóm họp vào chiều 22/12 còn loại đàm phán về Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc khỏi lịch trình của họ.

Bên cạnh đó, chủ trương từ chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden được cho sẽ tác động đến đàm phán về Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc. Khi đề cập đến thỏa thuận này, ông Jake Sullivan – nhân vật được Tổng thống đắc cử Joe Biden lựa chọn cho chiếc ghế cố vấn an ninh quốc gia, đã đề cập “sớm tư vấn các đồng minh châu Âu của chúng ta về lo ngại chung với thực tiễn kinh tế Trung Quốc”.

Nội bộ EU cũng lên tiếng cảnh báo. Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau tối 22/12 đăng trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta cần thêm minh bạch và bàn bạc để đồng quan điểm với các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Một thỏa thuận cân bằng và tốt sẽ hiệu quả hơn thỏa thuận còn sơ khai”.

Tờ Newsweek trong khi đó đánh giá số phận của thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc là dấu hiệu sớm của tình trạng căng thẳng trong những năm tới, liên quan đến nhiều vấn đề từ thương mại đến quy định công nghệ, biến đổi khí hậu...

Trong nhiều năm, châu Âu tìm cách tiếp cận mạnh mẽ hơn vào thị trưởng được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc. Đàm phán về Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc được khởi động từ năm 2014 với tiến trình khá chậm rãi. Nhưng đến nửa cuối 2020 khi Đức nhận chiếc ghế chủ tịch EU trong 6 tháng, Berlin đã đẩy mạnh việc hoàn thiện thỏa thuận.

Newsweek cho rằng Bắc Kinh đang muốn hành động trước viễn cảnh ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng và bắt tay EU đối trọng với Trung Quốc. Trong tháng 12 này, các nhà ngoại giao Trung Quốc tự tin rằng một thỏa thuận có thể đạt được trước năm mới.

Ngày 21/12, Ngoại trưởng Vương Nghị gặp gỡ đại sứ các quốc gia châu Âu tại Bắc Kinh. Trong sự kiện này ông nói: “Hy vọng Trung Quốc và châu Âu có thể đạt được nhất trí trong Thỏa thuận toàn diện đầu tư EU-Trung Quốc”.

Tuy nhiên, chưa thể xác định được chiến lược của Bắc Kinh có tác dụng hay không. Đạt được thỏa thuận này sẽ được coi là chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc. Nhưng tiến trình bị trì hoãn còn được coi là biểu hiện cho rắc rối trước mặt trong mối quan hệ EU-Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 24/12 đánh tiếng rằng EU cần cân nhắc về quan ngại của Bắc Kinh. Bộ này nhấn mạnh: "Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc hướng tới mục tiêu cung cấp thêm cơ hội đầu tư cho hai phía nhưng để đạt được thỏa thuận cần nỗ lực chung cần thiết và có thỏa hiệp".

Hà Linh/Báo Tin tức
Phòng COVID-19 lây lan, Trung Quốc khuyến cáo dân ăn Tết Nguyên đán tại chỗ
Phòng COVID-19 lây lan, Trung Quốc khuyến cáo dân ăn Tết Nguyên đán tại chỗ

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh cùng một số địa phương tại Trung Quốc đã yêu cầu người dân không rời khỏi khu vực mình ở trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN