Theo một quan chức Pháp, trong các cuộc đàm phán thương mại với Anh tới đây, EU sẽ đặc biệt chú trọng đến cái gọi là các điều khoản sân chơi bình đẳng để đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã không tham dự hội nghị này do cuộc bầu cử ngày 12/12 trong nước. Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông đã giành chiến thắng vang dội - dẫn đầu với 364/650 ghế tại Hạ viện Anh (số ghế cao nhất của đảng này kể từ năm 1987 đến nay), mở ra cơ hội cho tiến trình Brexit có trật tự đã bị đình trệ hơn 3 năm qua.
Trước đó, trong tuyên bố chúc mừng thắng lợi của ông Johnson trong cuộc bầu cử nói trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tuyên bố EU sẵn sàng đàm phán với Anh để đảm bảo xây dựng được một mối quan hệ song phương chặt chẽ trong tương lai. Ông hối thúc Quốc hội Anh nhanh chóng bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sáng rõ vấn đề này càng sớm càng tốt.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng Anh sẽ trở thành "một đối thủ kinh tế ở cửa ngõ của chúng ta" trong giai đoạn hậu Brexit.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc mừng Thủ tướng Anh Johnson về chiến thắng bầu cử nói trên, song nhấn mạnh cần sự rõ ràng về việc Anh rời khỏi EU vốn nhiều lần bị trì hoãn. Ông Maron nói: "Đã đến lúc phải rõ ràng. Tôi hy vọng thỏa thuận Brexit sẽ được Quốc hội Anh thông qua ngay khi có thể".
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi "đối thoại mang tính xây dựng" với Thủ tướng Johnson, khi ông chúc mừng Thủ tướng Johnson giành chiến thắng quyết định trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh vừa qua. Tổng thống Putin nêu rõ sự phát triển của đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác trong nhiều lĩnh vực sẽ hoàn toàn phù hợp với lợi các lợi ích của nhân dân hai nước Nga - Anh và toàn bộ lục địa châu Âu.
Sau khi đảng Bảo thủ giành chiến thắng vang dội, Thủ tướng Johnson tuyên bố nước này sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/1/2020. Sau Brexit, ông đặt mục tiêu tới cuối năm 2020 sẽ thiết lập quan hệ thương mại tương lai bền vững với EU.