Báo Độc lập (Nga) đã ghi nhận việc Liên minh châu Âu (EU) đã lập Danh sách đen gồm 18 quan chức Nga liên quan cái gọi là sự "can thiệp quân sự" vào bán đảo Crimea (Crưm), nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.Tờ báo dẫn tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, trong một nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, theo kế hoạch, ngày 12/3 tại London, đại diện Ủy ban châu Âu (EC) sẽ hoàn thành và công bố bản "Danh sách đen" áp đặt trừng phạt 18 quan chức Nga liên quan đến việc can thiệp quân sự tại Ukraine.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Telegraph |
Trước đó, EC đã không đưa ra quyết định loại Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga ra khỏi sự hạn chế của "Gói Năng lượng thứ ba", và tập đoàn này của Nga có thể sử dụng đầy đủ công suất của tuyến đường ống dẫn khí OPAL. Tuyến đường ống này kết nối "Nord Stream" (Dòng chảy phương Bắc) với mạng lưới vận chuyển khí đốt ở châu Âu.
Theo "gói năng lượng thứ ba", Gazprom hiện chỉ có thể sử dụng 50% tuyến đường ống dẫn khí. Nội dung "gói năng lượng thứ ba" quy định phân loại các tập đoàn năng lượng thành các công ty khai thác và các công ty bán năng lượng. Vì thế, giới kinh doanh không còn chủ trương đầu tư vào các công việc sửa chữa và xây dựng những đường ống mới ở châu Âu. Kết quả là gây nguy hại nền an ninh năng lượng quốc tế.
Duma Quốc gia (hạ viện) Nga dự kiến sẽ xem xét dự luật tiếp nhận Crimea như một vùng lãnh thổ mới của LB Nga vào ngày 21/3, trong khi trước đó nước CH tự trị Crimea dự định tiến hành trưng cầu ý dân ý về việc sáp nhập Nga vào ngày 16/3, sau khi đã hai lần thay đổi kế hoạch: lần thứ nhất định tiến hành vào ngày 30/3 và lần thứ 2 dự định tiến hành vào ngày 25/3, liên quan diễn biến phức tạp của các nhóm dân chủ cựu đoan ở Ukraine, định "tái diễn" vở kịch Euromaidan tại Crimea.
Trong khi đó, Séc đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân. Theo tuyên bố của Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka, một cuộc trưng cầu như vậy là trái với Hiến pháp Ukraine, và nó cần phải được tiến hành trong phạm vi toàn đất nước. Tại Brussels, các nước EU cho rằng một cuộc trưng cầu như vậy tại Crimea có thể gây ra "cơn lốc" ly khai ở hàng loạt nước châu Âu khác- gây nguy cơ an ninh đối với EU.
Trong một diễn biến ngày 11/3, Hội đồng Bộ trưởng Crimea dự định sẽ trình một dự luật về việc cho phép lưu hành đồng rúp Nga trên bán đảo này. Về phía Ukraine, Quốc hội nước này cùng ngày đã thông qua Đạo luật khôi phục lực lượng Vệ binh quốc gia. Trang mạng Lenta.ru của Nga dẫn thông tin đăng tải trên trang facebook cá nhân của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Arsen Avakov cho biết: "Khoảng 20.000 lính của lực lượng Vệ binh quốc gia dưới chế độ cũ sẽ được kêu gọi tái ngũ để bảo vệ đất nước và nhân dân Ukraine". Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cũng nhấn mạnh, việc khôi phục Vệ binh quốc gia được tiến hành đồng thời với lệnh Tổng động viên người dân Ukraine tham gia bảo vệ đất nước.
Trước đó, các phương tiện truyền thông Ukraine thông báo cho biết hơn 100 binh sĩ Nga, đi trên bảy chiếc xe vận tải quân sự, đã bao vây trạm radar của Ukraine ở đất mũi Tarkhankut. Lực lượng quân sự Nga không đưa ra bất cứ đòi hỏi nào, song họ đã kiểm soát toàn bộ khu vực bên ngoài trạm radar nói trên của Ukraine.
Với những diễn biến kể trên, có thể thấy rõ tình hình bán đảo Crime đang nóng lên từng ngày, ngay cả khi trên mảnh đất này chưa hề vang lên tiếng súng của một cuộc chiến thực sự.
Đức tăng cấp độ trừng phạt NgaBáo "Tấm gương" của Đức số ra ngày 13/3 đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục gây sức ép lên Nga với cảnh báo EU có thể thực thi cấp độ trừng phạt thứ ba, song bác bỏ hành động quân sự để giải quyết vấn đề.
Trong tuyên bố của chính phủ Đức, 3 ngày trước cuộc trưng cầu ý dân theo kế hoạch về việc sáp nhập Crimea vào Nga, Thủ tướng Merkel đã dùng những lời lẽ đanh thép để đả kích Moskva, khẳng định tất cả thành viên EU "sẵn sàng và cương quyết" với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu cần thiết.
Bà cảnh báo cấp độ trừng phạt thứ hai của EU (theo kế hoạch là phong toả tài khoản và cấm đi lại) sẽ sớm có hiệu lực nếu Nga không làm dịu tình hình. Trong trường hợp Nga tiếp tục gây bất ổn cho Ukraine, EU thậm chí có thể sẽ áp đặt cấp độ trừng phạt thứ ba và điều đó "có thể gây phương hại đa chiều đối với sự hợp tác kinh tế".
Thủ tướng Đức cũng khẳng định EU và Mỹ vẫn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, ám chỉ tới việc lập một nhóm tiếp xúc đối thoại giữa Moskva và Kiev - vấn đề cho tới nay vẫn bị Nga từ chối. Bà cũng cho rằng hành động quân sự không phải là cách để giải quyết vấn đề hiện nay.
Cùng ngày, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết đã hoãn mọi hoạt động liên quan tới sự tham gia của Nga vào tổ chức này theo đề nghị của các nước thành viên. OECD cũng cho biết các nước thành viên của tổ chức đã nhất trí tăng cường hợp tác với Ukraine nhằm giúp nước này đối phó với "những thách thức trong chính sách công mà Kiev đang phải đối mặt".
Quế Anh - TTG