Trao đổi với nhật báo Les Echos của Pháp ngày 16/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay chương trình với tên gọi "vườn ươm HERA" sẽ quy tụ các cơ quan y tế và phòng thí nghiệm, cùng giới chức y tế và các nhà nghiên cứu. Bà cho biết virus SARS-CoV-2 đã biến đổi và sẽ tiếp tục tiến hóa, nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó cho tình huống này.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg đưa tin các nước thành viên cũng sẽ được yêu cầu đóng góp thêm tài chính để EU có thể thích ứng và điều chỉnh những hợp đồng vốn đã được ký kết với các nhà cung cấp vaccine, cũng như đảm bảo có được các liều vaccine chống lại các biến thể mới trong tương lai.
Tuần trước, bà Leyen đã thừa nhận thất bại trong việc phê duyệt và triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của EU. Bà cho biết Liên minh châu Âu đã rút ra bài học sau những chỉ trích về việc chậm trễ trong quá trình triển khai vaccine ngừa COVID-19. EU đã cấp phép sử dụng đối với các vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ). Hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson là công ty mới nhất nộp đơn xin cấp phép tại khối này.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc cấp phép sử dụng vaccine của Johnson & Johnson vào giữa tháng 3 tới.
Johnson & Johnson cho biết đã sẵn sàng phân phối vaccine ngừa COVID-19 trong EU trong quý II tới. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng trước cho thấy vaccine của hãng này có hiệu quả phòng bệnh đạt 66% trong cuộc thử nghiệm toàn cầu quy mô lớn chống các biến thể mới. Mặc dù các vaccine của các đối thủ có hiệu quả phòng bệnh cao hơn, song vaccine của Johnson & Johnson có thể giúp các chiến dịch tiêm chủng trở nên dễ dàng hơn do vaccine này không cần phải tiêm mũi thứ hai hay được bảo quản đông lạnh trong quá trình vận chuyển.