EU kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì tính toàn vẹn của hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc căn bản là các quy định và chủ nghĩa đa phương.
Đại diện cấp cao của EU cho biết khối này quan ngại sâu sắc trước việc cơ chế giải trừ quân bị quốc tế và không phổ biến quốc tế đang đứng trước mối đe dọa to lớn.
Ý thức được rằng môi trường an ninh đang bị đe dọa nghiêm trọng và biến động chóng mặt, EU nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo toàn và thúc đẩy các tiến trình kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí, đồng thời kêu gọi cải thiện hơn nữa trên tất cả các khía cạnh về giải giáp và không phổ biến vũ khí nhằm tăng cường đảm bảo an ninh toàn cầu. Khả năng tồn tại cũng như tính hiệu quả của các hiệp ước về kiểm soát, giải giáp và không phổ biến vũ khí đòi hỏi các thỏa thuận quốc tế phải được tuân thủ và thực hiện một cách đầy đủ.
Trong bối cảnh này, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn đã đóng góp đáng kể cho việc đảm bảo an ninh châu Âu cũng như an ninh quốc tế trong 30 năm qua. Gần 3.000 tên lửa mang các đầu đạn hạt nhân và thông thường đã được gỡ bỏ khỏi lãnh thổ châu Âu và bị tiêu hủy, với sự đóng góp của hai quốc gia (Mỹ và Nga) có vũ khí hạt nhân với kho vũ khí lớn nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ giải trừ vũ khí hạt nhân.
EU rất lấy làm tiếc trước quyết định của Nga chính thức đình chỉ nghĩa vụ thực thi Hiệp ước INF ngày 3/7/2019 vừa qua. EU cũng cho rằng cần ngay lập tức đưa ra các hành động mạnh mẽ và minh bạch để đảm bảo việc tuân thủ một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được đối với các điều khoản của INF. Những ngày sắp tới là cơ hội cuối cùng để đối thoại và thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo tồn các yếu tố quan trọng của kiến trúc an ninh châu Âu này.
Liên minh châu Âu tái khẳng định sự cam kết lâu dài của mình đối với việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân dựa trên hiệp ước có thể kiểm chứng và mang tính thực tiễn. Do đó, EU khuyến khích việc bảo toàn các thành tựu của Hiệp ước INF. Trước tình hình căng thẳng tăng cao, các bên phải cẩn trọng để không đi vào con đường của cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ làm tổn thất những gì đạt được sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
EU khuyến khích Mỹ và Nga tìm cách giảm thêm kho vũ khí của mình, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và phi chiến lược, đã được triển khai và chưa triển khai, có tính đến trách nhiệm đặc biệt của các quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. EU hoan nghênh cuộc đối thoại sớm và tích cực về tương lai của Hiệp ước New START sau năm 2021 và về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác.