EU họp khẩn về khủng hoảng di cư

Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14/9 tới tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm kiếm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư.

Binh lính và công nhân Hungary lắp đặt hàng rào thép gai trên biên giới với Serbia.


Thông báo trên được ông Jean Asselborn - Bộ trưởng Di cư và Tị nạn Luxembourg, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đưa ra giữa lúc cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng nội vụ sẽ đánh giá các biện pháp đang được áp dụng và thảo luận về những sáng kiến mới nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng người di cư tới “lục địa già”.

Phiên họp khẩn được tổ chức theo đề xuất mà Đức, Pháp và Anh đưa ra cuối tuần qua, kêu gọi 28 quốc gia thành viên EU hành động ngay lập tức để ngăn chặn dòng người di cư đang ồ ạt “đổ bộ” vào châu Âu.

Cụ thể, bộ trưởng nội vụ ba nước muốn Italy và Hy Lạp đẩy nhanh tiến độ thành lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn, phân loại người xin tị nạn và người nhập cư trái phép; đồng thời lập danh sách chung của toàn châu Âu thuộc diện các "quốc gia an toàn" mà ở đó người di cư “vì lý do kinh tế” sẽ không được chấp thuận tị nạn, buộc phải hồi hương. Pháp và Đức còn hối thúc các nước thành viên có đóng góp nhiều hơn nữa vào nỗ lực “tái phân bổ” người nhập cư của cả khối.

Theo Cơ quan giám sát biên giới châu Âu (Frontex), chỉ trong 7 tháng qua, số lượng người di cư tới biên giới châu Âu đã lên mức kỉ lục là 340.000 người, so với con số 123.500 người cùng kỳ năm trước.

Kể từ đầu năm tới nay, đã có hơn 3.000 người di cư thiệt mạng khi tìm cách đặt chân tới châu Âu, đa phần là gặp nạn trên Địa Trung Hải. Ngoài các ngả vượt biển từ Libya tới Italy hoặc thâm nhập vào Hy Lạp qua khu vực Tây Balkan, người di cư giờ còn “mở” cả vòng cung mới xuyên Bắc Cực, đi qua vùng cực bắc của nước Nga để tới Na Uy.

Còn nhiều chia rẽ


Cuộc họp khẩn được triệu tập trong bối cảnh các nước thành viên EU còn tồn tại bất đồng liên quan đến khủng hoảng người di cư. Hai nước đầu tàu Pháp và Đức ủng hộ việc mở rộng danh sách “các quốc gia an toàn” tiếp nhận người nhập cư để thuận lợi hơn cho việc trục xuất người tị nạn “vì lý do kinh tế”; kêu gọi các nước chia sẻ gánh nặng trong việc xử lý khủng hoảng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, nếu châu Âu đoàn kết thì phải chứng tỏ tinh thần đó cùng nhau và “giờ là lúc để thể hiện”. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thậm chí còn bình luận rằng “một số nước Đông Âu” đã hành xử “đáng hổ thẹn”. Cụ thể, ông Fabius chỉ trích việc Hungary hoàn tất việc dựng hàng rào dây thép gai trên tuyến biên giới với Serbia nhằm ngăn chặn người di cư, coi đây là việc làm “không tôn trọng các giá trị chung của châu Âu”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố, thay vì đưa ra những phát biểu thiếu căn cứ, gây sốc như vị đồng cấp người Pháp, các quốc gia thành viên cần nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung. Ông cũng cho biết sẽ triệu Đại sứ Pháp tại Hungary để làm việc về những lời chỉ trích trên.

Hungary đang phải đối mặt với dòng người di cư ồ ạt. Tính từ đầu năm, số người di cư đổ về quốc gia này đã lên tới 150.000, trong đó chỉ riêng tháng 8 đã có 50.000 người, chủ yếu từ Serbia. Ngoài hệ thống hàng rào dây thép gai dài 175km được hoàn tất hôm 29/8, Hungary còn “dọa” sẽ áp dụng những biện pháp mạnh tay khác như đưa lực lượng quân đội cùng xe bọc thép giám sát tại các chốt biên giới để trừng trị những người nhập cư bất hợp pháp.

Hoài Thanh
Cảnh sát Hy Lạp bắn lựu đạn choáng giải tán người di cư
Cảnh sát Hy Lạp bắn lựu đạn choáng giải tán người di cư

Cảnh sát Hy Lạp đã bắn lựu đạn gây choáng vào đám đông người di cư Syria và Afghanistan đang biểu tình ở khu vực biên giới với Macedonia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN