Theo đó, các biện pháp trừng phạt được gia hạn đến ngày 16/10/2020, bao gồm phong tỏa các tài sản của cá nhân và thực thể liên quan, cũng như cấm các đối tượng này nhập cảnh Liên minh châu Âu. Các biện pháp này áp dụng đối với những cá nhân và thực thể liên quan trực tiếp đến việc phát triển và sử dụng vũ khí hóa học; hỗ trợ vật chất, kỹ thuật, hoặc tiếp tay, dính líu đến hoạt động phát triển và sử dụng vũ khí hóa học.
EC bắt đầu thiết lập cơ chế trừng phạt trên từ tháng 10/2018, trong bối cảnh có những lo ngại về sự xuất hiện trở lại của vũ khí hóa học, sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok tại Salisbury (Anh) hồi tháng 3 cùng năm, cũng như những cáo buộc liên quan việc sử dụng các chất bị cấm trong cuộc xung đột tại Syria.
Hiện các biện pháp trừng phạt này đang được EU áp dụng đối với 9 cá nhân, trong đó có 5 quan chức chính quyền Syria và 4 cá nhân người Nga bị cáo buộc liên quan vụ đầu độc ở Salisbury. Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu khoa học SSRC bị xem là có vai trò chủ chốt trong chế tạo vũ khí hóa học của Syria cũng nằm trong danh sách này.
Vụ cựu điệp viên Skripal đã khiến quan hệ giữa Nga và Anh xấu đi kể từ đó đến nay. London cáo buộc Moskva liên quan vụ việc, trong khi Moskva cực lực bác bỏ.