Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về An toàn Thực phẩm và Y tế Stella Kyriakides bày tỏ hy vọng trong số những ứng viên vaccine tiềm năng sẽ có một loại an toàn và hiệu quả trong việc phòng COVID-19 để giúp các nước thành viên vượt qua đại dịch. Về phần mình, BioNTech cho biết thỏa thuận trên bao gồm khả năng cung cấp thêm 100 triệu liều vaccine. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, BioNTech sẽ bắt đầu giao vaccine vào cuối năm 2020.
Trước đó, EC đã ký thỏa thuận mua vaccine phòng COVID-19 với công ty Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, Curevac, Moderna và AstraZeneca.
Cùng ngày, nhà chức trách Anh cho biết đang làm việc với Trung tâm Vaccine Oxford để có thể đưa ra quyết định liệu AstraZeneca có thể bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 hay không sau khi một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan các sản phẩm y tế Anh (MHRA) nhấn mạnh sự an toàn của những người tham gia trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Hiện AstraZeneca đang hợp tác với Đại học Oxford của Anh phát triển vaccine tiềm năng.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) sẽ bán 32 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V cho một công ty dược phẩm hàng đầu Mexico. Đây là thương vụ xuất khẩu vaccine thứ hai của Nga.
Nga đang lưu hành vaccine Sputnik V, loại vaccine đầu tiên do Viện Gamaleya ở Moskva phát triển vào tháng 8. Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sputnik V, với sự tham gia của 40.000 người tham gia, đã được khởi động ngày 26/8.
Tháng 8 vừa qua, RDIF đã ký thỏa thuận xuất khẩu đầu tiên với Kazakhstan, với 2 triệu liều trong giai đoạn đầu và sau đó sẽ tăng lên thành 5 triệu liều.