Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Kono cho biết dường như mỗi chuyến hàng vaccine đều cần được EU cấp phép. Tuy nhiên, ông không tiết lộ cụ thể số liều vaccine của lô đầu tiên được chuyển tới Nhật Bản. Ông Kono cũng cho biết sẽ sớm bắt đầu tiêm chủng cho nhóm đầu tiên gồm các nhân viên y tế, tiếp đó là người cao tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe và nhân viên các cơ sở điều dưỡng.
Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 314 triệu liều vaccine của các hãng AstraZeneca, Moderna và Pfizer, đủ tiêm chủng cho 126 triệu dân. Tuy nhiên, so với nhiều nền kinh tế lớn khác, Nhật Bản được cho là chậm trễ hơn trong công tác tiêm chủng. Nguyên nhân một phần là do Nhật Bản phụ thuộc vào các hãng sản xuất vaccine nước ngoài, trong khi nước này yêu cầu thử nghiệm ngay tại Nhật Bản đối với tất cả các vaccine tiềm năng.
Tháng 12 năm ngoái, Pfizer đã nộp đơn lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xin cấp phép lưu hành cho vaccine của hãng, đến cuối tháng 1 vừa qua, hãng này đã nộp dữ liệu về kết quả thử nghiệm lâm sàng bổ sung tiến hành ở Nhật Bản đối với 160 người. Mới đây nhất, ngày 5/2, hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) đã xin cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo những quy định mới, các công ty dược phẩm muốn xuất khẩu vaccine được sản xuất ngay tại các nước thành viên EU có nghĩa vụ báo cáo với giới chức nước sở tại để được cấp phép xuất khẩu. Các nước thuộc EU được quyền từ chối cấp phép nếu nhà sản xuất vaccine không tuân thủ các hợp đồng cung cấp vaccine hiện có với EU.