Học viện Quân y vừa tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho 22 tình nguyện viên cuối cùng, trong đó có 2 tình nguyện của nhóm liều 50mcg, 20 tình nguyện viên nhóm liều 75mcg.
Như vậy, Việt Nam đã hoàn tất 120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 cho 60 tình nguyện viên. Qua đánh giá bước đầu, các chuyên gia cho biết, vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể mới. Hầu hết các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định sau tiêm. Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Giai đoạn 1 của đợt thử nghiệm lâm sàng nhằm tập trung xác định tính an toàn của vaccine và dò liều tối ưu, đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch trên 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg. Đến nay, việc nghiên cứu lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 giai đoạn 1 đã hoàn thành. Học viện Quân y đang tiếp tục tổng hợp dữ liệu để báo cáo Bộ Y tế. Dự kiến, ngay sau Tết Nguyên đán 2021, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y Sinh học (Bộ Y tế) sẽ họp, đánh giá trước khi phê duyệt triển khai tiêm thử nghiệm giai đoạn 2.
Hiện Học viện Quân y bắt đầu tuyển tình nguyện viên giai đoạn mới với gần 400 người đã đăng ký tham gia. Trong giai đoạn 2 Học viện Quân y sẽ thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên, kéo dài trong 6 tháng với sự tham gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi giai đoạn 2 đi được nửa chặng đường với quy mô tiêm cho hơn 10.000 tình nguyện viên, bắt đầu từ tháng 8/2021, có thể mở rộng tại một số nước có dịch COVID-19 trong cộng đồng. Nếu công trình nghiên cứu thử nghiệm diễn ra thuận lợi, dự kiến, đến đầu năm 2022 Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19.
Theo thông tin trước đó, Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax dựa trên công nghệ tái tổ hợp, mỗi liều tiêm cách nhau 28 ngày. Sau khi tiêm 2 mũi, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi đến tháng thứ 6 để đánh giá hiệu quả bảo vệ.