Ông Dombrovskis cho biết lưu lượng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã giảm 22% trong một tháng do ảnh hưởng của các cuộc tấn công của lực lượng Houthis tại Yemen nhằm vào các tàu đi qua tuyến vận tải biển này. Tuy nhiên, mức giảm sẽ còn lớn hơn vì các công ty vận tải đang phải chuyển hướng hải trình của các tàu vòng qua châu Phi.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại EU nhằm tìm cách giải quyết vấn đề này, ông Dombrovskis cho biết: “Đến nay chưa ghi nhận tác động rõ ràng đối với giá năng lượng cũng như giá hàng hóa nói chung. Nhưng chúng tôi đã thấy tác động đối với giá vận tải và đây là một yếu tố rủi ro".
Theo quan chức trên, các tác động kinh tế rộng hơn đối với nền kinh tế EU nói chung sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài cuộc khủng hoảng này. Ông nhấn mạnh: "Hành động nhanh chóng là cần thiết".
Ông Dombrovskis cho biết EC sẽ cập nhật dự báo kinh tế vào tháng 2 tới, trong đó có tính đến sự gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ.
Kênh đào Suez ở đầu phía Bắc của Biển Đỏ, là tuyến vận chuyển 12-15% thương mại hàng hóa toàn cầu và chiếm 25-30% container hàng hóa. Đối với EU, 23% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ châu Á đến bằng đường biển, trong đó phần lớn đi qua kênh đào này.
Nền kinh tế EU đang trải qua suy thoái nhẹ với lạm phát cao. Tình trạng gián đoạn thương mại qua Biển Đỏ có thể ngăn cản các ngân hàng trung ương trong khối cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Geoffrey van Leeuwen cho biết chi phí vận tải tuyến Thượng Hải-Rotterdam qua kênh đào Suez trong một số trường hợp đã tăng 200% kể từ khi lực lượng Houthis bắt đầu tấn công các tàu vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ. Ông nhấn mạnh: “Tình trạng này rõ ràng sẽ làm tăng lạm phát… trong khi mục tiêu cuối cùng của chúng ta là thoát khỏi lạm phát phi mã”.