Đề xuất trên đề cập đến sự hỗ trợ đang được tiến hành và dài hạn hơn của EU giành cho Iraq, có tính đến các ưu tiên của Chính phủ Iraq.
Theo đó, chiến lược đề xuất của EU tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho người dân Iraq và tạo thuận lợi cho việc ổn định các khu vực đã được giải phóng khỏi IS. Chiến lược cũng nhằm giúp Iraq tiến hành tái thiết, cải cách, và hoà giải lâu dài nhằm củng cố hòa bình và xây dựng một đất nước thống nhất, dân chủ, trong đó mọi công dân đều có thể hưởng đầy đủ các quyền của mình trong sự thịnh vượng.
Những ngôi nhà bị phá hủy tại Iraq cần được tái thiết. Nguồn: Iraq News |
Bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch EC cho biết: "Iraq đang ở giai đoạn quyết định trong lịch sử nước này sau khi IS bị đánh bại. Đây là thời điểm quan trọng để hành động nhanh chóng và xây dựng lại đất nước với sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội Iraq, để thúc đẩy, bảo vệ các quyền cơ bản và pháp quyền trong tất cả các lĩnh vực. Chỉ có sự bao dung mới có thể đảm bảo sự hòa giải thực sự để người Iraq có thể một lần khép lại quá khứ. Điều này cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và chúng tôi sẵn sàng đóng góp, tiếp tục ủng hộ người dân và Chính phủ Iraq trong lúc khó khăn này, vì lợi ích của người dân Iraq và khu vực".
Về phần mình, Cao ủy EU phụ trách Viện trợ nhân đạo và Quản lý khủng hoảng Christos Stylianides, người đã nhiều lần đến thăm Iraq để đánh giá các dự án viện trợ của EU trên thực địa, nêu rõ: "EU đã và đang cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người dân Iraq kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Hiện nhu cầu nhân đạo vẫn còn cao và nhiều người vẫn phải rời bỏ quê hương vì xung đột. Tôi đã chứng kiến trực tiếp điều này ở những nơi như Mosul và Fallujah và điều quan trọng là tất cả các nỗ lực viện trợ vẫn tiếp tục diễn ra vô tư và trung lập".
Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Hợp tác và Phát triển Quốc tế Neven Mimica nhấn mạnh: "Khi Iraq tiến hàng các bước để hướng đến một tương lai ổn định hơn, EU cam kết trở thành một đối tác chính trong việc tái thiết, ổn định và phát triển bền vững lâu dài. EU đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ cụ thể cho người dân Iraq trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quản trị tốt và tăng cường hệ thống tư pháp cũng như cải thiện giáo dục".
Chiến lược gần đây nhất của EU liên quan đến Iraq đã được thông qua vào tháng 3/2015 như là một phần chiến lược khu vực của EU đối với Syria và Iraq, cũng như mối đe dọa từ IS. Chiến lược đề xuất mới nhất nhằm tập trung vào những biện pháp mà EU có thể đóng góp vào việc giải quyết những thách thức cụ thể Iraq hiện đang phải đối mặt.
Để thực hiện chiến lược đề xuất, EU sẽ phối hợp chặt chẽ với không chỉ Chính phủ Iraq mà còn với các nước thành viên EU, Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh Quốc tế chống IS, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như các đối tác trong khu vực và quốc tế.