Quy định mới sẽ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm hơn 750 triệu euro (915 tỷ USD). Họ sẽ được yêu cầu khai báo lợi nhuận, số lượng lao động mà họ sử dụng và số thuế họ phải trả ở mỗi quốc gia EU nơi họ hoạt động, tương tự như ở các quốc gia trong danh sách đen về “thiên đường thuế” của EU.
Thỏa thuận đã được các nhà đàm phán nhất trí nhưng vẫn phải được MEP chính thức thông qua tại cuộc họp đầy đủ của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu. Bồ Đào Nha, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên sáu tháng của EU, đã ca ngợi nghĩa vụ báo cáo công khai theo từng quốc gia là một bước tiến lớn đối với việc thu thuế.
Một số nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu bao gồm đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh cũng hoan nghênh bước tiến này.
Tuy nhiên, một số nhà vận động về công bằng thuế cho biết các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh. Trong khi đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng cho rằng biện pháp EU đề xuất sẽ không hiệu quả, bởi nó sẽ không áp dụng cho hầu hết các hoạt động của công ty và tình trạng trốn thuế sẽ tiếp diễn.
Thỏa thuận mới được đưa ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy đề xuất đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia trở lại chương trình nghị sự quốc tế.
Đề xuất của ông Biden sẽ được các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thảo luận tại một cuộc họp ở London (Anh) vào ngày 4/6 tới.
Các biện pháp minh bạch thuế của EU lần đầu tiên được đề xuất sau một loạt vụ bê bối tài chính quốc tế được tiết lộ thông qua các cuộc điều tra lớn như LuxLeaks và Hồ sơ Panama.
Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Pedro Siza Vieira cho biết, vào thời điểm mà cộng đồng thế giới đang cố gắng khắc phục hậu quả của đại dịch, điều quan trọng hơn bao giờ hết là đòi hỏi sự minh bạch tài chính thực sự. Ông ước tính rằng nạn trốn thuế đã khiến EU thiệt hại khoảng 50 tỷ euro mỗi năm.