Thông cáo báo chí ngày 15/10 của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ các quốc gia thành viên cần bắt đầu chuẩn bị để đảm bảo các dịch vụ chủng ngừa đáp ứng được nhu cầu, mỗi nhóm dân cư khác nhau đều có thể tiếp cận vaccine dễ dàng với giá cả phải chăng. Cùng với đó, các nước cũng cần đảm bảo đáp ứng những yêu cầu về dự trữ và vận chuyển, đồng thời cung cấp những thông tin rõ ràng về các kế hoạch chủng ngừa để xây dựng lòng tin trong cộng đồng.
Về mục tiêu đảm bảo vaccine được phân bổ đồng thời cho các nước thành viên theo quy mô dân số, EC cũng lưu ý ban đầu số lượng các liều vaccine có thể sẽ hạn chế và tình hình sẽ cải thiện nhờ các biện pháp đẩy mạnh sản xuất. Vì vậy, EC đề xuất ngay khi có vaccine, các nước nên cân nhắc những nhóm được ưu tiên tiêm phòng, gồm nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên làm việc trong các cơ sở y tế, người già trên 60 tuổi, những người không thể tham gia giãn cách xã hội và những người nghèo.
Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn lương thực, bà Stella Kyriakides, nhấn mạnh các nước cần chuẩn bị tốt để có thể triển khai sớm nhất có thể việc chủng ngừa sau khi có một loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả và an toàn được cấp phép đưa vào sử dụng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu khuyến khích cộng đồng chủ động tham gia các chương trình chủng ngừa. Bà nhấn mạnh bản thân vaccine không thể cứu sống người dân mà chính ý thức chủ động đi chủng ngừa mới là yếu tố quyết định.
EC, đại diện cho các nước thành viên EU, đã ký thỏa thuận với một số nhà cung cấp vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện chưa có loại vaccine nào trong số các hợp đồng ký kết vượt qua các khâu kiểm duyệt cấp phép và đưa vào sử dụng rộng rãi.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 15/10, thế giới đã có 42 loại vaccine phòng COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có các loại vaccine của Trung Quốc, Anh, Nga, Mỹ, Bỉ, Đức đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn thứ 3, cũng là giai đoạn cuối cùng. Ngoài ra, 156 vaccine khác đang trong giai đoạn thử nghiệm cận lâm sàng.