Theo hãng tin Reuters, các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã bất đồng vào ngày 21/3 về việc liệu và làm thế nào để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi Đức cho rằng khối này quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga để ra quyết định cấm vận.
EU và các đồng minh đã áp đặt một loạt các biện pháp nhằm vào Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương nước này.
Nhưng nhắm mục tiêu vào dầu của Nga, như Mỹ và Anh đã làm, là một lựa chọn gây chia rẽ đối với 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% khí đốt.
Một số quốc gia EU như Ba Lan và các nước Baltic như Latvia, Litvaa và Estonia đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
"Nhìn vào mức độ tàn phá ở Ukraine ngay bây giờ, chúng ta có thể chuyển sang trừng phạt lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu và than đá (của Nga)", Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết trước cuộc họp, lặp lại bình luận từ các nước Baltic.
Nhưng Đức và Hà Lan cho biết EU phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể tự cắt đứt ngay lập tức.
"Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên.
"Đức đang nhập khẩu rất nhiều (dầu của Nga) nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác. Nếu có thể, chúng tôi sẽ tự động làm điều đó", bà Baerbock nói và cho biết thêm rằng EU thay vào đó nên nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Moskva về nhu cầu năng lượng.
Cuộc họp của các bộ trưởng EU trên diễn ra trước một tuần đàm phán bận rộn giữa các đồng minh phương Tây về Ukraine, với hội nghị thượng đỉnh EU, hội nghị thượng đỉnh NATO và cuộc hội đàm G7, tất cả đều được lên kế hoạch vào cuối tuần này.