EU cảnh báo Bulgaria không lách lệnh trừng phạt dầu mỏ nhằm vào Nga

Những khó khăn tại thị trường châu Âu sẽ cho phép Bulgaria thu lợi nhuận lớn nếu được tái xuất khẩu dầu của Nga, đặc biệt là bán lại cho Ukraine, nơi Bulgaria xuất khẩu dầu diesel trị giá hơn 700 triệu euro chỉ trong năm nay.

Chú thích ảnh
EU lo ngại Bulgaria sẽ lách các lệnh trừng phạt dầu của Nga. Ảnh: yahoo.com

Theo trang tin EURACTIV.bg (Bulgaria) ngày 2/11, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Daniel Ferry cho biết Bulgaria được cấp quyền đặc biệt sử dụng dầu của Nga cho đến năm 2024, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này có thể xuất khẩu và thu lợi nhuận từ trường hợp ngoại lệ của EU. 

Phát biểu với các nhà báo ở Brussels, ông Ferry cảnh báo công ty Nga Lukoil, chủ sở hữu nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria, không nên lách lệnh cấm vận của EU và bán lại các sản phẩm được sản xuất từ ​​dầu của Nga ra nước ngoài.

Ông Daniel Ferry giải thích rằng mục đích của EU cấp quyền ngoại lệ cho Bulgaria là để nước này có thể sử dụng trong nước nhưng không được bán ra nước ngoài hoặc cho các nước thứ ba. “Mục đích của trường hợp ngoại lệ là để Bulgaria có thể có được nguồn cung và không bán dầu nhập khẩu của Nga cho các nước khác - trong EU hoặc các nước thứ 3”, người phát ngôn trên nêu rõ.

Cảnh báo của ông Ferry được đưa ra dường như nhằm phản ứng với tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria, Rossen Hristov rằng việc xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga đang mang lại lợi ích cho toàn bộ thị trường châu Âu và đảm bảo an ninh cho khu vực. Ông Hristov cũng nói rằng Ủy ban châu Âu đã chấp thuận việc bán lại nhiên liệu của Nga.

Một đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm bán lại dầu của Nga đã được Thủ tướng Bulgaria Gulab Donev cùng các bộ trưởng tài chính, kinh tế và năng lượng trong nội các của ông đưa ra vào tuần trước, khi đều cho rằng lệnh cấm xuất khẩu sẽ dẫn đến thâm hụt thị trường trong nước, vì nhà máy lọc dầu ở Bulgaria của công ty Nga Lukoil cũng sẽ ngừng sản xuất.

Chính phủ trước đó của Bulgaria dưới thời Thủ tướng Kiril Petkov đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vào cuối tháng 6 để tuân thủ các quyết định trừng phạt chung của EU và giúp giảm giá nhiên liệu ở Bulgaria, lập luận rằng càng nhiều dầu tồn đọng ở Bulgaria, giá của nó sẽ càng giảm vì hàng hóa này không thể bán được ở nơi khác.

Đề xuất mới của Thủ tướng Gulab Donev và các bộ trưởng tài chính, kinh tế và năng lượng được đưa ra khi các nước châu Âu chuẩn bị kế hoạch hành động sau khi ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào tháng 12 năm nay và tiếp đó là ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga vào tháng 2/2023.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv)
Đức đang 'cô độc' trong EU?
Đức đang 'cô độc' trong EU?

Quan hệ giữa Đức với một số nước trong EU đang xấu đi liên quan đến một loạt động thái gần đây của Berlin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN