Cứu vớt những người di cư ngoài khơi bờ biển Libya. Ảnh: AFP-TTXVN |
Đây là bước tiếp theo sau giai đoạn đầu thu thập thông tin tình báo về các tổ chức buôn người của Chiến dịch NavFor Med (Lực lượng hải quân EU tại Địa Trung Hải) do EU triển khai hồi tháng 7. Trong giai đoạn mới, các lực lượng chức năng được phép dừng tàu và nếu cần thiết thì phá hủy các tàu được sử dụng để chở người di cư tới châu Âu.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia EU, diễn ra chiều 14/9 tại Brussels (Bỉ), nhằm thảo luận về hạn ngạch phân bổ người nhập cư giữa các quốc gia thành viên.
Nhiều quốc gia thành viên EU đã miễn cưỡng chấp thuận việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống các nhóm buôn người do không muốn liên quan tới Lybia - quốc gia đang phải chứng kiến cuộc nội chiến kéo dài suốt từ năm 2011 tới nay giữa các phe cánh chính trị nhằm nắm quyền kiểm soát đất nước. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo cũng đã thống nhất với việc áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn trong đó bao gồm việc can thiệp bằng quân sự trong giới hạn bên ngoài lãnh hải Lybia.
Sau giai đoạn 2, giai đoạn thứ 3 của chiến dịch - nếu được thông qua - sẽ bao gồm các hoạt động quân sự chống buôn người trong lãnh hải Libya, với mục đích tiêu diệt các mục tiêu ngay thời điểm chuẩn bị khởi hành. Để thực hiện được giai đoạn 3 cần có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sự đồng thuận từ phía chính phủ Lybia.
Tham gia Chiến dịch NavFor Med được EU thông qua hồi tháng 5 hiện bao gồm 1 tàu Italy, 1 tàu Anh và 2 tàu của Đức. Một nguồn thạo tin cho biết số lượng tàu sẽ được tăng thêm trong tháng tới khi giai đoạn 2 được khởi động.
Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (UNHRC) Zeid Ra'ad al Hussein đã hối thúc châu Âu mở lòng hơn nữa đối với người tị nạn bằng cách hoạch định các chính sách toàn diện nhằm mở rộng các kênh nhập cư.
Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn UNHCHR tại Geneva (Thụy Sỹ), ông al-Hussein đã kêu gọi ngừng hành động ngăn chặn và "ngược đãi" người tị nạn - đặc biệt là trẻ em, trốn chạy khỏi chiến tranh và khủng bố tại các nước, trong đó có Syria. Ông nói: "Chúng ta cần mở rộng các kênh dành cho hoạt động di cư thường xuyên và tái định cư".
Theo số liệu của Tổ chức Di cư thế giới (IOM), kể từ đầu năm, hơn 350.000 người đã bất chấp nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để tìm đường tới châu Âu, khoảng 3.000 người trong số đó đã thiệt mạng.