Tuyên bố nêu rõ: "Luật Khí hậu châu Âu tôn trọng cam kết của EU nhằm đạt được trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và mục tiêu trung gian giảm lượng khí thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990".
Tuyên bố trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ khởi xướng diễn ra vào ngày 22-23/4. Hội nghị sẽ do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì và được kỳ vọng mang lại các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu.
Trước thềm hội nghị trên, Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố mục tiêu tham vọng hơn của Mỹ, theo đó đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với các mức của năm 2005, tương đương 47% so với các mức của năm 2010.
Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã phát biểu rằng một cam kết xuyên Đại Tây Dương về lộ trình không phát thải ròng vào năm 2050 sẽ làm cho tính trung lập về khí hậu trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu mới. EU đã cam kết cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ròng xuống 0 vào năm 2050, trong khi Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra cam kết tương tự cho nền kinh tế Mỹ.
Các nhà khoa học cho biết, thế giới phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp và ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Chính quyền Mỹ đã gửi thư mời khoảng 40 nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị này, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận sẽ tham dự.
Hội nghị diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow, Scotland (Anh). Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres coi hội nghị khí hậu tuần này là thời khắc quyết định để "thúc đẩy hay bỏ lỡ" các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.