Phát biểu với báo giới ngày 14/4 sau cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng giáo dục EU, bà Blazenka Divjak, Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Croatia, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết một nửa số nước thành viên EU đang cân nhắc làm theo các khuyến nghị của các nhà dịch tễ học tại nước họ, theo đó sẽ cho học sinh trở lại trường vào cuối tháng 5, trong khi nửa còn lại dự tính hoàn thành năm học theo hình thức học trực tuyến.
Bà Blazenka Divjak nhấn mạnh: "Việc phối hợp với nhau để hoàn thành năm học trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay là cần thiết", đồng thời cho biết không có nước thành viên EU nào đề xuất không công nhận năm học này. Các trường đại học trong EU sẽ được yêu cầu có cách tiếp cận linh hoạt và chấp nhận thực tế là năm học này khác với các năm học khác và tính đến hoàn cảnh này ở tất cả các nước thành viên. Bà Divjak cho rằng tất cả các nước, kể cả những nước phát triển nhất, đều gặp vấn đề không đồng đều trong giáo dục trực tuyến, chủ yếu do không phải tất cả học sinh, sinh viên đều được tiếp cận Internet.
Tại CH Séc, trong bối cảnh tình hình phòng chống dịch COVID-19 tiến triển theo chiều hướng được kiểm soát, ngày 14/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương nước này Karel Havlicek đã công bố kế hoạch của Chính phủ từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, sẽ cho phép từng bước mở cửa lại các cửa hàng và nối lại các hoạt động dịch vụ theo lộ trình 5 giai đoạn, từ ngày 20/4 đến 8/6.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, dự kiến từ ngày 20/4, các chợ nông sản, thợ thủ công và hoạt động kinh doanh xe ô tô cũ ở CH Séc sẽ hoạt động trở lại kèm theo điều kiện nghiêm ngặt về vệ sinh dịch tễ. Từ ngày 27/4, các cửa hàng trên 200 m2 (trừ cửa hàng trong trung tâm thương mại) được phép hoạt động. Từ ngày 11/5, các cửa hàng dưới 1.000 m2 (trừ cửa hàng trong trung tâm thương mại), trường dạy lái xe và phòng tập gym, sẽ mở cửa. Từ ngày 25/5, các nhà hàng và quán cà phê phục vụ ngoài trời, bảo tàng, phòng trưng bày, tiệm cắt tóc sẽ hoạt động. Từ ngày 8/6, trung tâm thương mại và các nhà hàng, quán cà phê phục vụ trong nhà được hoạt động.
Tuy nhiên, theo Chính phủ Séc, việc thực hiện kế hoạch trên có thể thay đổi phụ thuộc vào diễn biến thực tế của tình hình dịch.
Cùng ngày, Hãng thông tấn Séc (CTK) cho biết CH Séc đã tặng 1 triệu khẩu trang cho Bắc Macedonia để giúp quốc gia này ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Số hàng viện trợ trên được một máy bay đặc biệt của quân đội Séc vận chuyển và trao trực tiếp cho Phó Thủ tướng Bắc Macedonia phụ trách các vấn đề châu Âu, ông Bujar Osmani. Phát biểu sau khi nhận hàng viện trợ, ông Osmani cho biết việc hỗ trợ của Séc rất có ý nghĩa, giúp Bắc Macedonia đối phó tốt hơn với sự bùng phát của dịch bệnh đồng thời thể hiện sự đoàn kết trong EU.
Trước đó, Séc cũng đã giúp Tây Ban Nha và Italy, các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, mỗi nước 10.000 bộ quần áo bảo hộ. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek cho biết Séc đã cung cấp 500.000 khẩu trang, 25.000 mặt nạ phòng độc và 5.000 bộ quần áo bảo hộ cho Slovenia dưới dạng cho vay.
Tuần trước, Chính phủ Séc đã quyết định dành 25 triệu Korun (hơn 1 triệu USD) cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nguồn tài chính này sẽ được Bộ Ngoại giao Séc ưu tiên chuyển tới Bosnia, Ukraine, Moldova, Gruzia và Campuchia.
Tính đến hết ngày 14/4, tại Séc đã có 6.111 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 161 người tử vong và 642 người bình phục.