Trước đó, chính phủ các nước EU đã hạn chế đi lại với các nước ngoài khối để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 1/7 vừa qua, EU bắt đầu mở lại biên giới cho du khách từ một số nước. Những nước này phải đáp ứng điều kiện có số ca nhiễm mới ổn định trong 14 ngày, hoặc đảng giảm hay thấp hơn mức trung bình của EU. Trong danh sách các nước này có Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Danh sách nói trên sẽ được EU xem xét lại 2 tuần/lần. Theo đó, ngày 16/7, hai nước vùng Balkan láng giềng của EU nói trên đã bị loại khỏi danh sách. Tại Serbia, sau những thành công ban đầu với tốc độ lây lan dịch bệnh chậm lại vào tháng 5, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng đột biến khi nhà chức trách chấm dứt lệnh phong tỏa và tổ chức tổng tuyển cử.
Dù các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng danh sách trên, song EU cảnh báo các nước không nên tự dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với các quốc gia thứ ba không nằm trong danh sách.
Cùng ngày, Chính phủ Argentina đã hối thúc người dân tăng cường các biện pháp phòng dịch sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.
Thư ký phụ trách vấn đề tiếp cận y tế Argentina Carla Vizzotti nêu rõ số ca nhiễm mới tăng do người dân không tuân thủ khuyến cáo y tế khi tụ tập xã hội và di chuyển giữa các khu vực. Quan chức này kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa, lưu ý các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, khó thở, mất cảm giác mùi vị, và nên tự cách ly nếu có biểu hiện mắc bệnh rõ ràng.
Theo thống kê, Argentina ngày 16/7 đã ghi nhận thêm 4.250 ca nhiễm mới và 82 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm lên 111.160 người, trong đó có 2.072 ca tử vong. Đây số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày cao nhất ở nước này. Trước đó, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã yêu cầu cách ly toàn quốc từ ngày 20/3-17/7 để ngăn chặn dịch lây lan. Dự kiến trong ngày 17/7, ông sẽ công bố các bước tiếp theo để chống dịch.
Tại Iran, người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19 của thủ đô Tehran Alireza Zali đã kêu gọi gia hạn thực hiện các biện pháp hạn chế - được áp đặt từ ngày 13/7 vừa qua - do dịch bệnh đang hoành hành nghiêm trọng tại thành phố này. Theo quan chức này, việc áp đặt lệnh phong tỏa chỉ trong một tuần là không đủ, mà cần mở rộng thời gian cũng như phạm vi áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Theo lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 13/7, Chính phủ Iran cho phép chính quyền địa phương tái áp đặt các biện pháp hạn chế, như đóng cửa các doanh nghiệp có nguy cơ cao và cấm tụ tập đông người tại các khu vực có nhiều rủi ro trong một tuần. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19 của thủ đô Tehran cho rằng cần có những biện pháp quyết liệt hơn để khống chế dịch như cấm mọi hình thức tụ tập, hội thảo và triển lãm có sự tham gia của trên 10 người..
Trong ngày 16/7, Iran đã ghi nhận thêm 2.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 267.061 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 198 ca lên 13.608 ca.