Tuyên bố của quân đội Ethiopia đăng trên Facebook nêu rõ lực lượng đặc biệt Amhara đã rời vùng Shire theo thỏa thuận hòa bình được ký hồi tháng 11 giữa Addis Ababa và lực lượng nổi dậy. Tuyên bố cho biết thêm cuộc rút quân này diễn ra sau khi phiến quân Tigray bắt đầu giao nộp vũ khí hạng nặng, một điểm quan trọng trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Trước đó, ngày 10/1, lực lượng phiến quân vùng Tigray đã bắt đầu chuyển giao vũ khí hạng nặng cho quân đội Ethiopia. Động thái này nằm trong tiến trình hòa bình ở quốc gia trên do Liên minh châu Phi (AU) dẫn dắt.
Cuộc xung đột tại Ethiopia đã khiến hàng trăm nghìn người dân ở Tigray đối mặt với nạn đói, hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời trên khắp miền Bắc của quốc gia Đông Phi này. Ngày 2/11, Chính phủ Ethiopia và phiến quân Tigray đã ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột, theo đó việc rút các lực lượng nước ngoài và những lực lượng không thuộc quân đội khỏi Tigray diễn ra "đồng thời" với việc giải giáp lực lượng nổi dậy.
Trong khi đó tại Kenya, cựu Tổng thống nước này Uhuru Kenyatta cùng ngày cho biết nhóm phiến quân Phong trào 23/3 (M23) đã đồng ý tiếp tục "rút quân có trật tự" khỏi những khu vực đã chiếm được ở miền Đông CHDC Congo.
Ông Kenyatta đưa ra tuyên bố này sau cuộc gặp với các thủ lĩnh của nhóm M23 ở thị trấn ven biển Mombassa của Kenya. Tuyên bố nhấn mạnh: "Như một cam kết thiện chí nhằm hướng tới một giải pháp ở tỉnh Bắc Kivu, các thủ lĩnh của M23 đã đồng ý tiếp tục rút quân có trật tự và tôn trọng lệnh ngừng bắn một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, họ cũng đồng ý tiếp tục tôn trọng và hợp tác với lực lượng khu vực Đông Phi (EAC) vốn đã bắt đầu nắm quyền kiểm soát các khu vực mà M23 vừa rút khỏi".
Việc rút quân nói trên của M23 nhằm tuân theo các quyết định của hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 23/11/2022 tại thủ đô Luanda của Angola, nơi các bên tham gia đã yêu cầu ngừng bắn và yêu cầu quân nổi dậy rời khỏi các khu vực đã chiếm được trong năm qua.