EC tìm kiếm nguồn thu mới cho ngân sách dài hạn của EU

Ngày 13/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết ủy ban này sẽ yêu cầu các nước thành viên nộp thêm nguồn thu cho ngân sách dài hạn sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) để giúp hỗ trợ khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo về nỗ lực cứu vãn nền kinh tế của liên minh châu Âu trước ảnh hưởng dịch COVID-19, tại Brussels, Bỉ ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EU không có quyền đặt nguồn thu nhưng chính phủ các nước thành viên có thể chủ động phân bổ một số nguồn tài chính của họ cho khoản ngân sách 7 năm tới của khối với tên gọi “Khung tài chính nhiều năm” (MFF).

MFF sẽ tài trợ cho các chính sách của EU nhằm cân bằng mức sống giữa 27 quốc gia thành viên, cũng như đầu tư cho các chính sách nông nghiệp, nghiên cứu, phát triển, giáo dục, và hiện thực hóa sức mạnh mềm của khối thông qua các chương trình phát triển và viện trợ.

Trong một dự thảo nghị quyết dự kiến được bỏ phiếu vào cuối tuần này, Nghị viện châu Âu (EP) cảnh báo sẽ không thông qua kế hoạch chi tiêu của EU trong MFF nếu như các chính phủ thành viên không đóng góp các nguồn tài chính mới.  

Theo kế hoạch, Chủ tịch EC Leyen sẽ trình bày đề xuất mới cho ngân sách MFF 2021-2027 vào ngày 20/5, cùng với kế hoạch về Quỹ phục hồi để giúp EU chấn hưng nền kinh tế sau đợt suy thoái được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Phát biểu trong một phiên họp tại EP, bà Leyen tuyên bố MFF và Quỹ phục hồi sẽ đặt ra mục tiêu rõ ràng cho châu Âu cũng như những nguồn lực mà EU cần có trong ngân sách của mình. Để có ngân sách lớn hơn, EU sẽ phải áp các khoản thu mới như thuế hợp nhất doanh nghiệp, thuế dịch vụ kỹ thuật số, thuế giao dịch tài chính, doanh thu từ mua bán khí thải trong khối, thuế đánh vào các sản phẩm nhựa hoặc thuế đối với những mặt hàng nhập khẩu được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải thấp hơn so với mức quy định ở EU. Tất nhiên, các chính phủ thành viên sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về danh mục các nguồn thu mới.

Cũng theo Chủ tịch EC, phần lớn nguồn lực tài chính của EU sẽ được dành cho chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, số hóa và phát triển bền vững, vốn là những ưu tiên của EU. Ngoài ra, EU cũng sẽ có chiến lược đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng trong tương lai liên quan đến khả năng phục hồi và tự chủ chiến lược, như ngành dược phẩm.

Ngoài ra, EU tạo công cụ thanh khoản mới cho các doanh nghiệp trong khối và xây dựng một chương trình y tế mới chung của toàn khối dựa trên kinh nghiệm rút ra từ đại dịch hiện nay.

Kim Chung (TTXVN)
Quan chức EU kêu gọi thiết lập chính sách chung chống khủng hoảng
Quan chức EU kêu gọi thiết lập chính sách chung chống khủng hoảng

Ngày 9/5, Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen nhận định cần phải rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 và thiết lập các chính sách rõ ràng để đối phó với các tình huống khủng hoảng khác nhau có thể xảy ra trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN