Trong kế hoạch cải cách di cư mang tên "Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú" được mong đợi khá lâu, EC đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nếu không tự nguyện đón nhận thêm người di cư có thể hỗ trợ tiền để đưa họ về nước. Biện pháp này được cho là giúp giảm sức ép cho Italy và Hy Lạp - hai "cửa ngõ" chính mà người di cư từ châu Phi tìm cách vào châu Âu.
Phát biểu công bố kế hoạch trên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: "Chúng tôi muốn nâng cao các giá trị của mình, đồng thời đối mặt với các thách thức của thế giới toàn cầu hóa". Bà cảnh báo hệ thống cũ hiện "không còn hoạt động nữa", đồng thời khẳng định kế hoạch mới sẽ tạo ra cơ chế để trục xuất những người nhập cư không được cấp quy chế tị nạn.
Về phần mình, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội địa Ylva Johansson cũng cho biết kế hoạch trên sẽ giúp EU "hiệu quả hơn" trong việc trục xuất người nhập cư trái phép.
Theo đề xuất trên, các quốc gia ở khu vực biên giới ngoài của EU đang chịu sức ép quá tải người tị nạn, như Italy và Malta, có thể đề nghị kích hoạt một "cơ chế đoàn kết bắt buộc". Khi đó, tất cả các nước còn lại phải đóng góp tài chính để hỗ trợ việc trục xuất tùy theo khả năng kinh tế và quy mô dân số từng nước. Tuy nhiên, các nước này có thể chọn giữa việc chấp nhận người xin tị nạn hay "tài trợ" cho những người này về nước.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã khiến các nhà hoạt động vì quyền của người di cư, cũng như các tổ chức tị nạn thất vọng. Bên cạnh đó, nhiều khả năng kế hoạch này sẽ phải đối mặt với sự phản đối của nhiều nước thành viên vốn không chấp nhận người tị nạn trên lãnh thổ nước mình.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư "sẽ không hiệu quả". Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia cũng phản đối ý tưởng "phân bổ bắt buộc". Dự kiến, Thủ tướng các nước này sẽ đến Brussels để gặp bà von der Leyen trong ngày 24/9.
Đề xuất của EC được đưa ra sau các vụ hỏa hoạn thiêu rụi các trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp, đẩy hàng nghìn người tị nạn vào “cảnh màn trời chiếu đất”, buộc EU một lần nữa phải trở lại với vấn đề chính sách nhập cư. Kể từ khi xảy ra khủng hoảng người di cư năm 2015, số người nhập cư trái phép vào EU đã giảm còn 140.000/năm, nhưng các nước thành viên EU vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.