Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Các đề xuất này được trình bày trong bản dự thảo của Thỏa thuận Công nghiệp Sạch của EC, được tờ Politico nắm được trước khi chính thức công bố vào ngày 26/2 tới. Tài liệu này nêu ra chiến lược tổng thể của cơ quan điều hành EU trong việc kết hợp các nỗ lực cắt giảm khí thải với mục tiêu phục hồi ngành công nghiệp nặng, đồng thời xác định các bước triển khai trong những năm tới.
Kế hoạch này được đề ra trong bối cảnh khá “nhạy cảm” khi các nhà sản xuất trong các lĩnh vực như thép và xi măng của châu Âu cho rằng họ không thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc do chi phí năng lượng cao và thủ tục hành chính “rườm rà”. Thêm vào đó, cả Washington và Bắc Kinh đều đang có chính sách tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nêu cao khẩu hiệu “Mua hàng Mỹ” (Buy American). Trước tình thế đó, EU buộc phải áp dụng một phiên bản “Mua hàng châu Âu” (Buy European) vào chính sách khí hậu của mình.
Đưa sản xuất về châu Âu
Chiến lược của EC dựa trên 6 trụ cột: giảm giá năng lượng, tạo ra nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, đảm bảo tiếp cận nguyên liệu quan trọng, phát triển quan hệ đối tác toàn cầu và đào tạo lại nhân lực.
Mục tiêu đặt ra của kế hoạch trên là: "Tạo động lực kinh doanh mạnh mẽ hơn cho ngành công nghiệp châu Âu để đầu tư vào các dự án trung hòa carbon trong lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghệ sạch".
Dự thảo nhấn mạnh đến các biện pháp kích cầu đối với hàng hóa thân thiện với môi trường có xuất xứ “Sản xuất tại châu Âu” (Made in Europe), đồng thời tái khẳng định mục tiêu sản xuất 40% các thiết bị công nghệ sạch quan trọng ngay tại khu vực.
Để đạt được điều này, EC muốn thiết lập hạn ngạch để đảm bảo các chính phủ và cơ quan chính phủ mua các sản phẩm này.
Thỏa thuận Công nghiệp Sạch cũng đề xuất các yêu cầu về “tỷ lệ nội địa tối thiểu” và “tiêu chí bền vững và khả năng chống chịu”, dự kiến sẽ được quy định trong các đạo luật dự kiến ban hành vào cuối năm nay. Ngoài ra, EC sẽ xem xét sửa đổi các quy định về đấu thầu công vào năm 2026 để biến tiêu chí ưu tiên hàng hóa châu Âu thành một yếu tố mang tính nền tảng trong các lĩnh vực chiến lược.
Không chỉ dừng lại ở các hợp đồng công, các tiêu chí này cũng sẽ được mở rộng để khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng, thông qua các tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất phát thải CO2 theo vòng đời sản phẩm.
Một sáng kiến khác là dán nhãn carbon lên sản phẩm công nghiệp nhằm nắm được lượng khí CO2 thải ra trong quá trình sản xuất. Theo dự thảo, EC cam kết sẽ phát triển nhãn này trong năm nay – trước mắt sẽ áp dụng với ngành thép để triển khai nhanh chóng. Đặc biệt, EC nhấn mạnh rằng nhãn này sẽ không làm tăng gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp vì nó sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu thị trường carbon hiện có.
Tăng cường năng lượng sạch cho châu Âu
Một phần quan trọng khác của chiến lược là giảm giá năng lượng và đẩy mạnh triển khai năng lượng xanh với chi phí thấp để thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Dự thảo đề xuất điện khí hóa 32% nền kinh tế EU vào năm 2030, tăng từ mức 23% hiện nay, đồng thời đặt mục tiêu bổ sung 100 gigawatt công suất điện tái tạo mỗi năm từ nay đến 2030. Để đạt được mục tiêu này, EC sẽ thúc đẩy luật mới nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo.
Về thương mại, EC đề xuất đơn giản hóa đáng kể thuế mậu biên carbon (CBAM) nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời xem xét mở rộng chính sách này thông qua một đợt sửa đổi trong năm nay và đề xuất xây dựng luật mới vào năm tới.
Ngoài ra, EU sẽ triển khai các “Đối tác thương mại và đầu tư sạch” – một sự kết hợp giữa hợp tác kiểm soát và hỗ trợ tài chính để phát triển chuỗi giá trị công nghệ sạch chiến lược với các đối tác quốc tế, bổ sung cho các hiệp định thương mại tự do mà EU đã ký kết với các quốc gia khác.