EC công bố một loạt biện pháp đối phó việc Anh rời EU không thoả thuận

Ngày 4/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một loạt biện pháp nhằm đối phó với việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận có thể diễn ra vào ngày 31/10 tới.

Các biện pháp này được cho là sẽ có tác dụng giảm thiểu tác động từ một Brexit không có trật tự, song sẽ không thể “thay thế” cho một thỏa thuận được. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, EC đã đề xuất dùng tới Quỹ Đoàn kết châu Âu (FSE), vốn trước đây chỉ được sử dụng để đối phó với các thảm họa thiên nhiên, và Quỹ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ toàn cầu hóa (FEM). Liên quan tới việc huy động Quỹ FSE và Quỹ FEM, EC cho rằng trước tiên Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu cần nhất trí sửa đổi bổ sung các điều khoản hiện nay liên quan tới 2 quỹ này.

Tổng ngân sách của hai quỹ sẽ không được tăng lên, một khoản ngân sách trong 600 triệu euro của Quỹ FSE sẽ được dành cho các doanh nghiệp hoặc các khu vực bị ảnh hưởng từ Brexit không thỏa thuận và 180 triệu của Quỹ FEM sẽ được huy động. Các chủ thể và doanh nghiệp Anh sẽ không thuộc đối tượng được hưởng hình thức hỗ trợ này.

Trong số các biện pháp khác, EC đã cập nhật một số quy định đã công bố như các biện pháp liên quan tới đánh bắt cá, đề xuất việc tiếp cận vùng biển của Anh được duy trì tới cuối năm 2020 (trước đó được đề nghị là tới cuối 2019) với điều kiện "có đi có lại", nghĩa là các tàu cá của Anh cũng được quyền tiếp cận các vùng biển của EU.

Cũng tương tư như vậy, đối với giao thông, các biện pháp khẩn cấp cho phép tránh việc ngừng đột ngột của giao thông hàng không, kéo dài thời gian duy trì đường hàng không giữa 2 bên tới tháng 10/2020 và giao thông đường bộ là tới tháng 7/2020.    

Sau cùng, EC đề xuất nếu Vương quốc Anh muốn tiếp tục tham gia vào các chương trình của châu Âu như chương trình Eramus (Chương trình trao đổi sinh viên của EU), London sẽ phải đóng góp vào ngân sách của châu Âu năm 2020.

Đổi lại, EC đã rất rõ ràng về vấn đề Bắc Ireland trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Ngoài các chương trình duy trì hòa bình (PEACE) sẽ được tiếp tục cho dù tình hình diễn ra như thế nào, vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh sẽ không thể được hưởng một sự hỗ trợ nào khác của châu Âu, tương tự như phần còn lại của Vương quốc Anh, một khi nước này ra khỏi EU.

Mặt khác, về vấn đề biên giới với CH Ireland, EC tiếp tục không đưa ra kế hoạch thay thế nào khác cho điều khoản “chốt chặn”, vốn vẫn là giải pháp duy nhất để tránh một đường biên giới vật lý trên hòn đảo Ireland.

EC thông báo các biện pháp đối phó trên sau khi Hạ viện Anh trong cuộc họp diễn ra ngày 4/9 lại thông qua dự luật yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson đề nghị EU thêm lần nữa gia hạn Brexit đến 31/1/2020 nếu không đạt được một thỏa thuận mới.

Đức Hùng (TTXVN)
'Mớ bòng bong' Brexit
'Mớ bòng bong' Brexit

Tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vốn đã qua quá nhiều khúc quanh với 2 lần gia hạn dường như vẫn chưa thể đi đến hồi kết và sẽ tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN