Đường vào EU trắc trở, Thủ tướng Anh đề nghị Ukraine gia nhập liên minh mới

Ngày 27/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề xuất Ukraine gia nhập một liên minh mới, trong bối cảnh nỗ lực sớm tham gia Liên minh châu Âu (EU) của Kiev gặp nhiều trắc trở.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RT

Hãng tin RT (Nga) cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là muốn thiết lập một nhóm các nước có cùng chí hướng như là một sự thay thế cho EU.

Ông Boris Johnson đã gợi ý Ukraine tham gia một liên minh mới, mà có vẻ London đang tìm cách thiết lập như một cấu trúc song song với EU. Báo Corriere della Sera của Italy ngày 27/5 đăng bài viết cho rằng có sự rạn nứt ngày càng lớn giữa Kiev và EU về phản ứng của khối này đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Nhận định của bài báo trên tờ Corriere della Sera về mối quan hệ Kiev-Brussels dường như xuất phát từ những chỉ trích thường xuyên của các quan chức cấp cao Ukraine nhằm vào một số nước thành viên EU liên quan tới số lượng và qui mô hỗ trợ quân sự mà EU sẵn sàng cung cấp cho Kiev, cũng như việc cho tới nay khối này không thể áp đặt lệnh cấm vận các mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Theo tờ Corriere della Sera, hơn 1 tháng qua, Anh đang tích cực làm việc để thành lập một "Khối thịnh vượng chung châu Âu". Thủ tướng Johnson được cho là đang cố gắng thiết lập một khối thay thế cho EU bao gồm Anh, Ukraine, Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh mới này sẽ hoan nghênh các quốc gia coi trọng chủ quyền của họ, những nước ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế và quyết tâm đẩy lùi cái gọi là "mối đe dọa quân sự từ Moskva".

Liên minh mới có vẻ sẽ bao gồm các khía cạnh chính trị, kinh tế và quân sự. Các nguồn tin cho biết Thủ tướng Johnson lần đầu tiên đưa ra khái niệm này với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev ngày 9/4.

Chính phủ Ukraine tới nay không từ chối song cũng chưa chấp nhận đề xuất trên. Bài báo cho rằng ông Zelensky đang chờ đợi kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 23/6, trong đó các quốc gia thành viên dự kiến sẽ quyết định có cấp quy chế ứng cử viên Ukraine hay không, điều này sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán gia nhập.

Theo Corriere della Sera, Tổng thống Zelensky đang chờ đợi kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 23/6 tới, thời điểm các nước thành viên dự kiến quyết định liệu khối này cho trao cho Ukraine qui chế ứng cử viên hay không, qua đó mở đường cho các cuộc đàm phán gia nhập EU. Cũng có thể, những tin đồn về kế hoạch của London lôi kéo Kiev không vào EU là nhằm gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo EU trước hội nghị vào tháng tới.

Dù đồng thuận lên án chiến dịch quân sự của Nga, song mỗi nước thành viên EU lại dành cho Kiev mức độ hỗ trợ quân sự khác nhau. Ba Lan và các nước Baltic hiện đi đầu trong nỗ lực cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trong khi đó, các cường quốc như Pháp và Đức đóng góp tương đối khiêm tốn cho đến nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TASS

Tổng thống Zelensky cùng các lãnh đạo Kiev đã ký đơn xin gia nhập EU hôm 28/2, chỉ vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng nỗ lực này đang gặp nhiều rào cản. Hồi đầu tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu có thể mất nhiều năm.

“Chúng ta đều biết rằng quá trình gia nhập EU có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Macron cho biết. Đồng thời, ông lưu ý Ukraine đã được coi là một thành viên của gia đình châu Âu.

Tổng thống Pháp cũng đã đề xuất tạo ra “cộng đồng chính trị châu Âu” nhằm trao cho Ukraine và các quốc gia ngoài liên minh cơ hội tham gia vào các vấn đề cốt lõi của khối. Ông nói rằng cộng đồng này sẽ mở cửa với các nước châu Âu dân chủ tuân thủ các giá trị cốt lõi trong hợp tác chính trị, an ninh, năng lượng, vận tải, đầu tư vào hạ tầng...

"Chúng ta phải thành thật. Nếu nói Ukraine sẽ gia nhập EU trong 6 tháng hay 1-2 năm nữa, đó sẽ là nói dối. Chắc cần khoảng 15 hoặc 20 năm, điều này sẽ mất nhiều thời gian. Tôi không muốn đưa ra cho người Ukraine bất kỳ ảo tưởng hay lời dối trá nào", Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune phát biểu trên Đài Radio J ngày 22/5.

Trang tin Euractiv.de (Đức) ngày 4/5 dẫn lời Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Áo, ông Karoline Edtstadler cũng cho rằng, vấn đề Ukraine gia nhập EU không thể đạt được “trong 5 đến 10 năm tới”, sau khi những bình luận gần đây của Ngoại trưởng nước này Alexander Schallenberg về vấn đề trên gây ra tranh cãi.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: AP

Mới đây nhất, Hà Lan cho biết có nhiều nước phản đối ý tưởng để Ukraine gia nhập EU.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhìn nhận cơ hội để Ukraine gia nhập EU hoặc đạt được quy chế ứng cử viên là không nhiều. Theo ông, nhiều nước thành viên EU phản đối ý tưởng này và sẽ thật không công bằng với một số nước Tây Balkan – số đã xếp hàng xin gia nhập lâu hơn.

Phát biểu trước Quốc hội Hà Lan ngày 24/5, ông Rutte cho rằng Ukraine vẫn có thể nhận được quy chế ứng cử viên tiềm năng. Sau đó sẽ là rất nhiều bước đi và cải cách mà Kiev cần thực hiện để được xem là hội đủ điều kiện để có thể kết nạp thành viên. Quy trình này cũng được áp dụng với Bosina.

Đề cập đến cam kết mà một số lãnh đạo châu Âu đưa ra trong các chuyến đi tới Kiev thời gian gần đây, ông Rutte nhìn nhận những tuyên bố của số quan chức này về kết nạp Ukraine làm thành viên EU mang tính “tình cảm bộc phát” mà thiếu đi tính pháp lý.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
EU chưa thống nhất về quan điểm đối với Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh
EU chưa thống nhất về quan điểm đối với Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh

Italy và Hungary đề xuất Liên minh châu Âu (EU) công khai kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine và tiến hành các cuộc đàm phán hoà bình với Nga, trong khi nhiều thành viên khác giữ quan điểm cứng rắn với Moskva ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 30 - 31/5 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN