Tại một hội nghị các đại sứ EU vừa qua, Đại sứ của Italy đã đề nghị thay đổi nội dung dự thảo tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh, trong đó đề nghị nhắc đến hòa đàm và coi ngừng bắn là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU. Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ của Hungary và CH Cyprus, những nước không đồng tình với gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga. Hungary phản đối kế hoạch cấm vận khí đốt, trong khi Cyprus lo ngại về kế hoạch cấm bán tài sản cho công dân Nga.
Trong một phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thuỵ Sĩ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga và không đề cập gì đến hòa đàm. Các nước Baltic và Ba Lan nằm trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất quan điểm cứng rắn trên. Latvia thậm chí kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tuần trước, Italy đã đề xuất một kế hoạch hòa bình, trong đó Liên hợp quốc (LHQ), EU và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đóng vai trò tạo điều kiện dàn xếp một lệnh ngừng bắn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đang liên lạc với LHQ, và Moskva "không loại trừ khả năng tiến hành cuộc thảo luận toàn cầu về dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine".