Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhìn nhận cơ hội để Ukraine gia nhập EU hoặc đạt được quy chế ứng cử viên là không nhiều. Theo ông, nhiều nước thành viên EU phản đối ý tưởng này và sẽ thật không công bằng với một số nước Tây Balkan – số đã xếp hàng xin gia nhập lâu hơn.
Phát biểu trước Quốc hội Hà Lan ngày 24/5, ông Rutte cho rằng Ukraine vẫn có thể nhận được quy chế ứng cử viên tiềm năng. Sau đó sẽ là rất nhiều bước đi và cải cách mà Kiev cần thực hiện để được xem là hội đủ điều kiện để có thể kết nạp thành viên. Quy trình này cũng được áp dụng với Bosina.
Đề cập đến cam kết mà một số lãnh đạo châu Âu đưa ra trong các chuyến đi tới Kiev thời gian gần đây, ông Rutte nhìn nhận những tuyên bố của số quan chức này về kết nạp Ukraine làm thành viên EU mang tính “tình cảm bộc phát” mà thiếu đi tính pháp lý.
Trước ông Rutte, giới chức Pháp cũng đưa ra bình luận tương tự về trở ngại trên con đường gia nhập EU đối với Ukraine. "Chúng ta phải thành thật. Nếu nói Ukraine sẽ gia nhập EU trong 6 tháng hay 1-2 năm nữa, đó sẽ là nói dối. Chắc cần khoảng 15 hoặc 20 năm, điều này sẽ mất nhiều thời gian. Tôi không muốn đưa ra cho người Ukraine bất kỳ ảo tưởng hay lời dối trá nào", Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune phát biểu trên Đài Radio J ngày 22/5.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 19/5 cho rằng không thể đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU của Ukraine, cho dù xung đột đang diễn ra ở quốc gia Đông Âu này. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh "không có lối tắt" để Ukraine đến với EU, cho rằng việc áp dụng ngoại lệ đối với nước này sẽ là không công bằng đối với các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Balkan cũng đang thúc đẩy trở thành thành viên của EU.
Theo Thủ tướng Đức, trong nhiều năm qua, các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Balkan đã cam kết tiến hành cải cách sâu rộng và chuẩn bị cho tiến trình gia nhập EU. Do đó, đây không chỉ là vấn đề uy tín của EU mà việc kết nạp các nước và vùng lãnh thổ này cũng nằm trong lợi ích chiến lược của EU.