Giới chức y tế Campuchia ban hành hướng dẫn lưu ý người dân giữ gìn sức khỏe và an toàn trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, kêu gọi người dân giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt Trời, đồng thời tăng cường uống nước. Các địa phương được yêu cầu điều chỉnh giờ học nhằm phòng tránh rủi ro và bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động dạy học.
Chính quyền sở tại cũng được tự quyết định cho học sinh nghỉ học tùy tình hình thực tế. Các cơ sở giáo dục trong toàn quốc thực hiện giải pháp phun nước giải nhiệt trên sân trường hoặc mái các điểm trường theo khả năng và điều kiện cụ thể. Tương tự, giới chức Lào, Thái Lan liên tục đưa ra cảnh báo nắng nóng, khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác trước nguy cơ sức khỏe do nhiệt độ cao và cho phép các trường nghỉ học nếu nhiệt độ quá cao.
Nhiều địa phương Ấn Độ đã hạn chế hoạt động ngoài trời nhằm ngăn ngừa tử vong trong các đợt nắng nóng cực độ, đóng cửa trường học để bảo đảm an toàn cho học sinh và khuyên người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp. Bộ Y tế đã tập huấn cho các quan chức cấp huyện để tuyên truyền nhận thức về những biến chứng sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt, qua đó nhanh chóng tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả, kịp thời.
Do nắng nóng có thể tiếp tục gây thiệt hại mùa màng trên diện rộng, ảnh hưởng hơn nữa đến cuộc sống của người nông dân vốn đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, nên các nước cũng tìm cách hỗ trợ ngành nông nghiệp và người tiêu dùng.
Tại Thái Lan, Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại đã chuẩn bị các biện pháp nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt cho người tiêu dùng cũng như các chủ nhà hàng, bố trí các khu vực bán rau tươi với giá bán buôn, mục tiêu là cung ứng 1 tấn rau mỗi ngày tại mỗi khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của nắng nóng. Đối với những vùng có giá rau cao bất hợp lý, Cục Nội thương sẽ làm trung gian kết nối người sản xuất với thị trường để bán rau với giá thấp hơn. Các biện pháp hỗ trợ giảm giá các thực phẩm khác như thịt lợn, trứng gà cũng được áp dụng.
Điện lưới là mối quan tâm đặc biệt, nhiều nước Đông Nam Á đã xảy ra tình trạng mất điện do quá tải khi các thiết bị làm mát dẫn đến nhu cầu điện rất lớn. Nhu cầu điện cao nhất tại Ấn Độ trong mùa Hè này được dự báo có thể đạt 260 GW, cao hơn mức kỷ lục 243 GW vào tháng 9 năm ngoái.
Việc sử dụng điện tại Thái Lan đã liên tiếp phá kỷ lục lên mức cao mới hằng ngày là 36.700 MW vào ngày 29/4. Dự báo nhu cầu điện năng tăng cao kỷ lục trong mùa Hè dẫn đến tình trạng tiêu thụ nhiều điện hơn, Bộ Năng lượng Ấn Độ thường xuyên họp đánh giá về tình hình dự báo đợt nắng nóng khắc nghiệt trong nước, phối hợp với các bộ khác như đường sắt, các công ty than và điện để đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời. Cơ quan Kế hoạch và Chính sách năng lượng (Eppo) Thái Lan đang giám sát chặt chẽ các nguồn nhiên liệu và các nhà máy điện trên khắp đất nước để đảm bảo có đủ khí đốt tự nhiên, than, dầu trong nước và than, dầu và điện nhập khẩu từ các nước láng giềng.
Dù vậy, các biện pháp ứng phó nêu trên chủ yếu vẫn mang tính thời điểm và rời rạc, đồng thời có thể kéo theo những hệ lụy về lâu dài, như việc gia tăng phụ thuộc vào điện than sẽ cản trở tiến trình hướng đến mục tiêu không phát thải hay những giải pháp bảo vệ sức khỏe người lao động lại đặt ra thách thức về năng suất cản trở tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như tại Ấn Độ, khoảng 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này hiện phụ thuộc vào công việc tiếp xúc với nhiệt, chủ yếu trong các các lĩnh vực dễ bị tổn thương như nông nghiệp, khai thác mỏ, xây dựng và ở một mức độ đáng kể là sản xuất.
Bên cạnh những tác động có thể nhận thấy, nắng nóng còn gây tác động lâu dài không thể đong đếm được, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã cố hữu. Trong khi những người giàu làm việc trong các văn phòng, học ở trường và sống trong những ngôi nhà có điều hòa, thì với hàng triệu người nghèo, những tiện nghi này đơn giản là không có sẵn hoặc không thể chi trả được. Những điều này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ mang tính dài hạn và đồng bộ.
Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường trên toàn cầu đã liên tục kêu gọi các quốc gia cắt giảm khí thải nhà kính, cảnh báo đây là cách duy nhất để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu. Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã kêu gọi các trường học nâng cao nhận thức về môi trường trong học sinh, dạy các em về tác động của biến đổi khí hậu, tạo không gian xanh trên sân trường và trồng thêm cây xanh, phân loại rác thải thành các loại có thể tái chế và không thể tái chế, đồng thời hạn chế đốt rác.
Giới chức Ấn Độ đang thực hiện những nỗ lực cải thiện khả năng ứng phó lâu dài với sóng nhiệt thông qua Kế hoạch Hành động về Ứng phó với nắng nóng cấp thành phố (HAP) với các biện pháp dài hạn như: Mở rộng và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đồng thời lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp; Tăng cường đào tạo nhân viên y tế về chuẩn bị ứng phó khẩn cấp; Quy hoạch đô thị thông minh thân thiện với môi trường; Tìm cách đảm bảo tài chính cho các biện pháp can thiệp nhiệt. Ngoài ra, Ấn Độ cũng thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.
Tuy nhiên, cho đến khi những giải pháp dài hạn phát huy tác dụng, các chuyên gia lo ngại số người chết sẽ tiếp tục tăng và hàng triệu người sẽ phải đứng trước những lựa chọn khó khăn thảm khốc với mỗi đợt nắng nóng mới. Theo WMO, năm 2023, lục địa châu Á chịu thiệt hại nặng nề nhất do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. Với một mùa Hè 2024 nóng bỏng ngay từ đầu trong khi nguồn lực và kinh phí để giải quyết những vấn đề này còn hạn chế, giới chuyên gia lo ngại rằng châu Á sẽ phải đương đầu với vô vàn khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Như đánh giá của ông Nicholas Rees, Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu tại Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Bangkok, “thật không may, thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á, chưa chuẩn bị cho những tác động sắp tới. Sẽ cần nỗ lực tập thể ở quy mô lớn để thiết lập các hệ thống cần thiết nhằm ứng phó tác động của biến đổi khí hậu". Có thể thấy, giải pháp "hạ nhiệt" bền vững chỉ có thể đến từ hoạt động phối hợp toàn cầu, hợp tác, cùng hành động để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu.