Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sau hơn 100 năm thực dân Đức gây tội ác ở Namibia, Chính phủ liên bang Đức đã thừa nhận những hành động tàn bạo với nhóm sắc tộc Herero và Nama là tội ác diệt chủng, muốn chính thức xin lỗi và cam kết hỗ trợ 1,1 tỷ euro (1,34 tỷ USD) cho Namibia trong 30 năm tới.
Thông báo của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 28/6 cho biết, các đoàn đàm phán cấp chính phủ của hai nước đã đồng ý về những điều khoản trên sau gần 6 năm đàm phán và dự kiến Ngoại trưởng hai nước sẽ chính thức tiến hành lễ ký kết thỏa thuận tại thủ đô Windhoek của Namibia trong vài tuần tới. Ông Maas nhấn mạnh Đức rất vui mừng vì đã đạt được thỏa thuận với Namibia về giải quyết chương đen tối nhất trong lịch sử chung của hai nước.
Liên quan việc đưa ra lời xin lỗi chính thức, dự kiến Tổng thống liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ đưa ra lời xin lỗi trước Quốc hội Namibia. Tuy nhiên, hiện Văn phòng tổng thống liên bang Đức chưa công bố kế hoạch cho việc này.
Từ năm 1884 đến năm 1915, Đế quốc Đức là một cường quốc thuộc địa ở khu vực ngày nay là Namibia và đã dập tắt các cuộc nổi dậy một cách tàn bạo. Trong cuộc chiến nhằm vào nhóm sắc tộc Herero và Nama từ năm 1904 đến năm 1908 ở vùng Tây Nam Phi thuộc Đức trước đây, Đế quốc Đức đã tiến hành giết người hàng loạt, được coi là vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20. Theo các nhà sử học, khoảng 65.000 trong số 80.000 người Herero và ít nhất 10.000 trong 20.000 người Nama đã bị giết hại.
Từ năm 1884, Đức đã chiếm các thuộc địa ở châu Phi, châu Đại Dương và Đông Á. Diện tích thuộc địa của Đức lớn thứ 4 thế giới và là một cường quốc chiếm đóng không chỉ ở Tây Phi (Namibia), mà còn ở Cameroon, Togo, Đông Phi (Tanzania), cho đến Thanh Đảo (Trung Quốc) và các đảo ở Thái Bình Dương. Với thất bại của Đức trong Thế chiến I, các thuộc địa sau đó đã được chia cho các cường quốc chiến thắng.