Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức là một trong số quốc gia châu Âu đã kiểm soát khá tốt đại dịch so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh, với trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt... Chính phủ Đức đã cảnh báo tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở các địa phương, đặc biệt trong việc phân bổ lực lượng truy vết tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh. Cho tới lúc này, Quân đội Đức đã triển khai khoảng 1.300 binh sĩ để hỗ trợ chính quyền các địa phương và tổng số binh sĩ được huy động có thể lên tới 15.000 người. Bộ Quốc phòng cho đến nay cũng đã nhận được khoảng 1.000 đề nghị hỗ trợ từ các chính quyền địa phương.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thị trưởng các thành phố lớn ở nước này cũng đã nhất trí có thể kêu gọi sự hỗ trợ của quân đội cũng như các chuyên gia thuộc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nếu tại địa phương ghi nhận có từ 35 ca nhiễm mới/100.000 dân trong 7 ngày. Trong trường hợp các khu vực có từ 50 ca nhiễm mới/100.000 dân trong 7 ngày thì sẽ phải áp đặt các biện pháp ngặt nghèo để chống dịch. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước Đức có 34 điểm nóng về COVID-19 với số ca nhiễm mới vượt quá 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày, trong đó riêng thủ đô Berlin có 8 điểm. Berlin cũng đã áp đặt lệnh cấm hoạt động đối với các nhà hàng, quán bar... từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Toàn bộ thành phố Berlin đã bị đưa vào danh sách các vùng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Hiện đang có khoảng 300 cảnh sát ở thủ đô phải cách ly do có tiếp xúc với 30 cảnh sát bị dương tính với SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận tổng cộng gần 3.800 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nghi nhận được từ đầu dịch là 327.500 ca. Trừ các trường hợp khỏi bệnh, số ca hiện còn nhiễm bệnh là 42.200 người. Chỉ số lây nhiệm hiện ở mức 1,29, giảm nhẹ so với ngày trước đó.
Liên quan tình hình điều chế vaccine ở Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cùng ngày 12/10 cho rằng nước này có thể cho ra mắt những lô vaccine đầu tiên vào quý I năm tới. Trước đó, Bộ trưởng Spahn và Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek cũng nói rằng vaccine có thể được tiêm cho những nhóm đầu tiên vào đầu năm tới, và có thể được sử dụng rộng rãi hơn từ giữa năm 2021. Những nhóm được tiêm vaccine trước tiên sẽ là những người có bệnh nền, người cao tuổi và lực lượng trong ngành y. Ông Spahn cũng cho biết việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ là hoạt động tự nguyện.