Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Đức Heiko Maas công bố trong ngày 3/6.
Ngoại trưởng Đức cho biết khuyến cáo hạn chế đi lại đi kèm với các hướng dẫn sẽ được áp dụng để thay thế cho lệnh cấm đi lại, đồng thời khuyến cáo người không nên tới Anh nếu không thật sự cần thiết vì nước này vẫn áp đặt quy định cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh.
Trong khi đó, dịch COVID-19 tiếp tục tấn công thị trường lao động của Đức trong tháng 5 khi các công ty tiếp tục sa thải hàng nghìn lao động cũng như buộc phải cắt giảm giờ làm của hàng triệu người.
Theo Văn phòng Lao động Đức, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức trong tháng 5 tăng lên 6,3%, tương đương với khoảng 2,8 triệu người, từ mức 5,8% trong tháng 4. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp của Đức giữ ở mức ổn định, khoảng 5%, kể từ tháng 8/2018.
Người đứng đầu Văn phòng Lao động Đức Detlef Scheele khẳng định thị trường việc làm vẫn chịu nhiều áp lực do đại dịch COVID-19, dù tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 không tăng nhiều bằng tháng 4.
Cũng theo Văn phòng Lao động, dịch COVID-19 cũng khiến nhiều công ty tại Đức tìm đến chương trình cắt giảm giờ làm cho nhân viên, mang tên Kurzarbeit, của chính phủ. Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, tổng cộng 11,7 triệu lao động đã bị cắt giảm giờ làm, cao hơn so với thời kỷ xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2009.
Chương trình Kurzarbeit được coi là một công cụ nhằm ngăn chặn tình trạng sa thải lao động hàng loạt. Theo đó, người lao động sẽ bị giảm giờ làm, tuy nhiên, họ vẫn được coi là nhân viên chính thức và nhận 2/3 tiền lương từ ngân sách nhà nước. Chương trình này là một phần trong gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.100 tỷ USD của Chính phủ Đức.